Theo dõi Báo Hànộimới trên

51,1 triệu thuê bao dùng smartphone: Cách nào bảo đảm an toàn thông tin cá nhân?

Việt Nga| 28/10/2019 08:37

(HNM) - Hiện nay, cả nước đã có trên 51,1 triệu thuê bao dùng smartphone. Thực tế này đặt ra câu hỏi, làm cách nào để giữ, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân?

Nếu như vài năm trước, người dùng di động bức xúc vì phải nhận tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác"... thì nay lại thêm mối lo khác cũng bắt nguồn từ chính chiếc smartphone của mình. Chị Cầm Thủy (cụm 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) kể lại, một lần tìm kiếm địa chỉ học tiếng Anh cho con trên điện thoại thì chỉ vài hôm sau, điện thoại của chị thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi mời chào tham gia các khóa học tiếng Anh trên địa bàn Hà Nội. "Ban đầu chỉ bị nhận tin nhắn gửi về máy, nhưng sau đó thì quả là mệt mỏi vì phải nghe số điện thoại "lạ" gọi mời học tiếng Anh..." - chị Cầm Thủy ngán ngẩm kể lại. 

Còn chị Thanh Nga ở nhà R4 - Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân) cũng lo ngại: "Một lần cùng đồng nghiệp tư vấn đặt đồ online, ngay sau đó trên bảng tin trang facebook của tôi đã xuất hiện chính các mẫu đó - cứ như tôi bị theo dõi vậy..." 

Hai "nạn nhân" trên chỉ là trường hợp cụ thể trong vô số tình huống mà người có smartphone sử dụng mạng xã hội, truy cập web đang phải đối mặt. Khi tìm kiếm thông tin, đặt mua hàng online, người dùng hoặc phải trả lời các câu hỏi cũng như phải cung cấp thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ...) và với sự phát triển của công nghệ, mọi "dấu vết" để lại đều được nhà cung cấp nền tảng lưu trữ để từ đó phân tích, đánh giá... rồi bán lại cho các đối tác thương mại. Và đó cũng là nguyên nhân khiến 80% số vụ lộ lọt thông tin hiện nay bắt nguồn từ chính sự bất cẩn của người dùng (số liệu của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Công an). Chính vì vậy, trong tháng 9 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị về việc cân nhắc, nghiên cứu ban hành một đạo luật riêng để quy định về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng An ninh mạng (Tập đoàn Công nghệ Bkav) nhận định, trước hết người dùng cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân. Vì ý thức bảo mật nói chung tuy có cải thiện, nhưng mức độ dễ dãi trong quá trình sử dụng Facebook vẫn cao và số người bị lừa đảo từ mạng xã hội vẫn còn lớn.

Hướng dẫn cụ thể, đại diện Bkav nêu rõ, người dùng Facebook cần rà soát và gỡ bỏ ứng dụng không cần thiết. Chẳng hạn, vào mục cài đặt/ứng dụng để kiểm tra và hạn chế sử dụng một số tính năng bởi không có gì là miễn phí. Nếu cần dùng ứng dụng, hãy kiểm tra rõ các quyền ứng dụng yêu cầu khi truy cập. Người dùng cũng không nên tùy tiện cài đặt ứng dụng; cần cân nhắc khi thấy ứng dụng đòi hỏi truy cập thông tin cá nhân; đồng thời cần cài đặt phần mềm an ninh để được bảo vệ tự động.

Trong phần trả lời kiến nghị cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số giải pháp để bảo vệ dữ liệu người dùng internet Việt Nam. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang triển khai nhiệm vụ phát triển Hệ sinh thái số Việt Nam (nòng cốt là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt) đáp ứng nhu cầu sử dụng internet của người Việt, hướng tới giảm dần phụ thuộc các nền tảng nước ngoài.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tránh tình trạng "bảo hộ ngược". Đồng thời đề xuất phương án quản lý hiệu quả các nền tảng số xuyên biên giới. Cùng với đó, Bộ thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường cho các sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện cho các sản phẩm số Việt Nam đáp ứng yêu cầu được triển khai trong các cơ quan nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
51,1 triệu thuê bao dùng smartphone: Cách nào bảo đảm an toàn thông tin cá nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.