(HNMO)- Đồng hành cùng với nhiều thay đổi lớn trên thế giới, số lượng start-up (dự án khởi nghiệp) trong các lĩnh vực mới không ngừng gia tăng. Việt Nam cũng không ngoại lệ, trong đó có cả những dự án đầu tư hàng triệu đô la.
Tuy nhiên, không phải start-up nào cũng đủ sức trụ vững bởi chỉ một số ít là tạo dựng được niềm tin với khách hàng và thu hút được nhà đầu tư. Với 5 cái tên sau đây, chưa ai có thể khẳng định được liệu những start-up này rồi sẽ như thế nào, nhưng có thể nói đây là 5 dự án có tốc độ phát triển ấn tượng và hứa hẹn sẽ làm nên chuyện lớn tại Việt Nam.
Lazada
Xây dựng một mô hình tương tự như Amazon, Lazada của Rocket Internet đặt mục tiêu sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường bán lẻ trực tuyến Việt. Sau 2 năm hoạt động, Lazada đã thu hút tới gần 650 triệu USD vốn đầu tư, mở rộng phạm vi tới 7 quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Hồng Kông (Trung Quốc).
Nhờ nguồn lực tài chính mạnh, Lazada nhanh chóng được người tiêu dùng Việt biết tới bởi chiến lược marketing rộng khắp, liên tục đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh từ thời trang, điện tử, mỹ phẩm cho tới hàng tiêu dùng.
Uber
Ra đời năm 2009, Uber cung cấp dịch vụ trực tuyến cho phép kết nối trực tiếp người có nhu cầu đi xe với những người lái xe. Đây là hình thức ưu việt so với taxi truyền thống nhờ có công cụ đánh giá trực tiếp từ người sử dụng thông qua điện thoại di động, từ đó sẽ thưởng phạt lái xe. Hiện nay, hãng đang có mặt ở hơn 100 thành phố thuộc 36 quốc gia.
Uber đang có mặt ở hơn 100 thành phố thuộc 36 quốc gia. Tuy nhiên, những tranh cãi về loại hình kinh doanh này đang khiến bước đi của Uber đang bị chững lại. |
Uber có mặt chính thức tại Việt Nam từ đầu năm 2014, với chiến lược quảng bá mạnh mẽ, dịch vụ này nhanh chóng thu hút được lượng lớn người sử dụng. Cùng với sự phát triển của hình thức thanh toán trực tuyến, những tiện ích của dịch vụ này sẽ còn thấy rõ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, những tranh cãi về tính hợp pháp của loại hình kinh doanh này đang khiến bước đi của Uber đang bị chững lại trong những tháng gần đây.
Cốc Cốc
Với ý tưởng phát triển một trình duyệt web thuần Việt, Cờ Rôm + đã ra đời năm 2012. Xuất hiện đúng lúc các nhà mạng đang chặn vào Facebook, Cờ Rôm + chớp lấy thời cơ chiếm được cảm tình của đông đảo người dùng Internet khi không cần phải dùng phần mềm hỗ trợ để sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Định hướng cạnh tranh trực tiếp với thị phần của Google, start-up Việt này chính thức đổi tên thành Cốc Cốc vào đầu năm 2014 và nhận được sự hỗ trợ rất lớn đến từ Yandex (công cụ tìm kiếm hàng đầu của Nga), Mail.ru Group và Digital Sky Technologies với số vốn lên tới 100 triệu USD.
Tuy giao diện và thuật toán tìm kiếm khá giống với Chrome và không có nhiều ứng dụng như Google, nhưng Cốc Cốc vẫn có những đặc tính ưu việt, phù hợp với thói quen sử dụng Internet của người Việt. Có thể kể tới như: Tốc độ tải nhanh gấp 8 lần, cho phép tải trực tiếp audio, video và các trang đa phương tiện khác, hỗ trợ dịch nhiều thứ tiếng, gợi ý thêm dấu để tìm kiếm chính xác hơn.
Carmudi
Cũng giống như Lazada, một dự án khác của Rocket Internet là sàn giao dịch xe Carmudi cũng có tốc độ phát triển như “tên lửa”. Chỉ mới thành lập từ năm 2014 nhưng đến nay Carmudi đã có mặt tại nhiều quốc gia thuộc Trung Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông. Đây là nơi lý tưởng giúp cả người muốn bán lẫn mua xe đạt được thoải thuận đơn giản và đáng tin cậy.
Sàn giao dịch xe Carmudi cũng có tốc độ phát triển như “tên lửa”. |
Mặc dù thị trường Việt cũng đã có khá nhiều trang rao vặt xe máy, ô tô nhưng đa phần đều gộp chung với các mặt hàng khác, hoặc đơn thuần chỉ là một loại phương tiện riêng biệt. Với Carmudi, cả xe máy, ô tô, xe thương mại cho tới những chiếc xe độc đáo nhất đều được rao bán và tiếp cận với khách hàng một cách hiệu quả. Để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, sàn giao dịch cũng đặc biệt chú trọng đến chất lượng tin đăng, tất cả các mẫu xe đều được kiểm duyệt trước khi đăng lên trang web.
Appota
Có thể nói, Appota hiện đang là start-up Việt ấn tượng nhất hiện nay khi được đánh giá là 1 trong 10 khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á. Ra đời năm 2011 và tạo được tiếng vang nhờ đại diện Việt Nam tham dự triển lãm Demo Asia 2012, Appota đã trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực phát triển ứng dụng game.
Tính đến nay, Appota đã hợp tác với hơn 1500 nhà phát triển và phân phối tới hơn 2100 ứng dụng game. Ước tính số lượng khách hàng tiềm năng có thể lên tới 10 triệu người là hoàn toàn có cơ sở bởi số người dùng hiện tại trên hệ thống phân phối của Appota đã là 6,3 triệu, cùng với đó là gần 400 000 lượt tải ứng dụng mỗi ngày.
Sự phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam kéo theo vốn đầu tư mạnh từ những doanh nghiệp nước ngoài, song song đó là hàng ngàn cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên được tạo ra mỗi năm. Hãy nhìn nhận thực tế điểm mạnh yếu của bản thân, đi đúng hướng và dành nhiều hơn thời gian để tìm hiều về các công ty start-up, những nơi đó phần lớn sẽ tạo nhiều điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội thử sức, rèn luyện bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.