Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XIII, việc điều chỉnh địa giới hành chính các phường Cống Vị, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Quan Hoa, Dịch Vọng để thành lập phường mới và chuyển đổi xã Trâu Quỳ để thành lập thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) đã được các đại biểu đồng tình. Theo phương án của UBND TP, các phường và thị trấn này sẽ được điều chỉnh khá nhiều cho hợp lý hơn về quy mô, ranh giới.
Đường Liễu Giai - Ảnh: P.Thảo
Trước hết, việc điều chỉnh địa giới hành chính phường Cống Vị (quận Ba Đình) và phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) là do có quy mô lớn về diện tích đất tự nhiên, đông về dân số nên khi kết hợp với điều chỉnh địa giới hành chính phường Ngọc Hà và Ngọc Khánh (quận Ba Đình); phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) có đường ranh giới chưa hợp lý đan xen nhau, sẽ thành lập nên các phườnng mới có quy mô diện tích dân số hợp lý, ranh giới rõ ràng, thuận tiện cho công tác quản lý hành chính Nhà nước của chính quyền cơ sở.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính phường Cống Vị, Ngọc Hà, Ngọc Khánh sẽ thành lập 5 phường mới: Ngọc Khánh, Cống Vị, Ngọc Hà, Liễu Giai, Vĩnh Phúc.
Trên cơ sở một phần diện tích, dân số của phường Cống Vị (cũ) gồm các làng Cống Yên, Vĩnh Phúc và làng Cống Vị, phường Vĩnh Phúc sẽ ra đời với diện tích đất tự nhiên 73,72ha và dân số 15.743 người.
Phường Liễu Giai sẽ là sự sáp nhập diện tích và dân số của làng Liễu Giai với phường Cống Vị (cũ) và diện tích, dân số của phường Ngọc Hà (xóm 3 Vĩnh Phúc). Phường Liễu Giai sẽ giáp với phường Thụy Khuê ở phía Bắc, phường Ngọc Khánh và Kim Mã ở phía Nam, phường Ngọc Hà và Đội Cấn ở phía Đông, phường Vĩnh Phúc và Cống Vị (mới) ở phía Tây.
Việc sáp nhập dân số và diện tích của cả 3 làng trại cổ là Cống Vị, Kim Mã Thượng, Vạn Phúc Thượng của phường Cống Vị (cũ) với một phần thuộc khu Thủ Lệ của phường Ngọc Khánh chuyển sang sẽ lập nên phường Cống Vị mới. Diện tích của phường Cống Vị mới sẽ là 52,48ha và dân số 14.786 người.
Phường Ngọc Hà mới sẽ được thành lập trên cơ sở phường Ngọc Hà (cũ) có điều chỉnh (chuyển một phần diện tích và dân số xóm 3 Vĩnh Phúc phường Ngọc Hà về phường Liễu Giai để thành lập phường Liễu Giai). Vì vậy, phường mới Ngọc Hà sẽ còn lại 80,1ha và 16.774 người.
Cũng trên cơ sở của phường Ngọc Khánh cũ, phường Ngọc Khánh mới được thành lập sau khi đã điều chỉnh lại dân số và diện tích của phường cũ: chuyển một phần thuộc khu Thủ Lệ, chuyển 1ha đất tự nhiên và dân số 200 người phía nam đường Đào Tấn kéo dài của phường Cống Vị (cũ) nhập về phường Ngọc Khánh (mới). Phường Ngọc Khánh mới với dân số 24.395 người, rộng 103,42ha sẽ giáp với các phường Cống Vị, Liễu Giai (mới), Giảng Võ, Quan Hoa, Láng Thượng.
Việc điều chính địa giới hành chính phường Quan Hoa và Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tiếp tục cho ra đời 3 phường mới là Quan Hoa (mới), Dịch Vọng (mới) và Dịch Vọng Hậu.
Phường Quan Hoa mới sẽ giáp với các phường Nghĩa Đô, Yên Hòa, Dịch Vọng và sông Tô Lịch. Phường sẽ có diện tích đất tự nhiên là 82,67ha với 3695 hộ dân sinh sống. Về cơ bản, phường Quan Hoa mới được thành lập trên nền của phường Quan Hoa cũ sau khi đã bị cắt đi Khu Cầu Giấy B1, khu Cầu Giấy A3; chuyển về phường Dịch Vọng Hậu khu Cầu Giấy B2, Tập thể Phân viện Báo chí, Tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, Tập thể Đại học Ngoại ngữ, Tập thể Đại học Luật; tiếp nhận của phường Dịch Vọng cũ thôn Tiền, khu tập thể Viễn thông và tổ 25 xóm Hà.
Phường Dịch Vọng mới được thành lập trên nền của phường Dịch Vọng cũ đã điều chỉnh. Phường sẽ có diện tích 135,74ha, dân số 10.796 người được chia làm 33 tổ dân phố và giáp với phường Nhĩa Tân, Yên Hòa, Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu (về phía đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài). Trụ sở làm việc của phường mới vẫn đóng tại vị trí của trụ sở phường cũ.
Được thành lập mới hoàn toàn, phường Dịch Vọng Hậu sẽ là sự tiếp nhận của phường Dịch Vọng cũ chuyển sang toàn bộ thôn Hậu (cũ) và toàn bộ khu tái định cư mới; tiếp nhận của phường Quan Hoa cũ chuyển sang khu cầu Giấy B2, Tập thể Phân viện Báo chí, Tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, Tập thể Đại học Ngoại ngữ, Tập thể Đại học Luật. Dịch Vọng Hậu sẽ có diện tích 147,72ha và 2635 hộ dân, được chia làm 53 tổ dân phố.
Sau khi thành lập quận Long Biên, ¾ thị trấn của huyện Gia Lâm được chuyển về quận, thành lập phường, huyện Gia Lâm chỉ còn một thị trấn Yên Viên ở phía bắc sông Đuống, xã Trâu Quỳ với dân cư phi nông nghiệp chiếm đại đa số... Xã Trâu Quỳ là xã có cơ sở hạ tầng và dân cư đô thị hóa cao, có các cơ quan huyện và nhiều cơ quan, trường học của Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn. Chuyển đổi xã Trâu Quỳ để thành lập thị trấn Trâu Quỳ, thị trấn huyện lỵ của Gia Lâm là phù hợp với cơ cấu tổ chức của cấp chính quyền đô thị ở cơ sở, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện.
Theo hướng này, diện tích đất tự nhiên của thị trấn Trâu Quỳ sẽ là 734,57ha trong đó đất nông nghiệp chiếm 42%, dân số 21.772 người trong đó 69% là dân phi nông nghiệp. Thị trấn Trâu Quỳ sẽ giáp với các xã Cổ Bi, Đặng Xá và thị trấn Sài Đồng ở phía Bắc, xã Kiêu Kỵ và Đa Tốn ở phía Nam, xã Phú Thị và Dương Xá ở phía Đông, xã Đông Dư, Cự Khối và Thạch Bàn ở phía Tây.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính của các phường trên mới chỉ là bước đầu trong tiến trình giải quyết những bất hợp lý về ranh giới, quy mô. Trong những năm tới, UBND TP sẽ tiếp tục phối hợp với các quân, huyện để điều chỉnh tiếp địa giới một số địa phương như xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) với phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), xã Trung Văn (huyện Từ Liêm) với phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), thị trấn Yên Viên và xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm), phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) với phường Phương Mai (quận Đống Đa), phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) tại khu vực Ngã Tư Vọng...
Vân An
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.