Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 nội dung thống nhất để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Hà Vũ| 05/08/2022 12:50

(HNMO) - Ngày 5-8, phát biểu kết luận tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tổng hợp 5 nội dung được lãnh đạo 3 địa phương thống nhất để triển khai thực hiện dự án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, qua thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, 3 địa phương đã sơ bộ thống nhất được các nội dung để làm cơ sở phối hợp tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Kế hoạch phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do thành phố Hà Nội xây dựng cũng đã nhận được các ý kiến góp ý xác đáng, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.

Theo đó, để công tác phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo được chặt chẽ, thống nhất, lãnh đạo 3 địa phương đã thống nhất 5 nhóm nội dung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với các dự án thành phần do UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, rất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án và có một kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Từ đó mới có thể triển khai dự án đạt được mục tiêu, tiến độ Quốc hội đã thông qua.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại hội nghị này, UBND thành phố Hà Nội chủ động phối hợp cùng UBND các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tiếp thu, hoàn thiện để quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai dự án làm cơ sở thực hiện dự án. Lưu ý việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất, phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu dự thảo, trình Chính phủ).

Thứ hai, việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là việc lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh, thành và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, vì vậy, cần quán triệt tinh thần và nhận thức, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài kế hoạch phối hợp chung của 3 tỉnh, thành phố, cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng địa phương để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo của 3 tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được chia thành các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Mặc dù hiện nay không có quy định về quy trình, thủ tục đối với dự án GPMB, việc này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, tuy nhiên, từng địa phương nên chủ động nghiên cứu tìm hiểu và đề xuất các phương án, nhất là phương án xử lý di dời các nghĩa trang, việc GPMB, di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, các khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng…, trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; đảm bảo tránh những khiếu kiện phức tạp có thể xảy ra.

Trên thực tế, thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông thành phố lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sớm giao đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mà mình được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản để thành phố Hà Nội có thể phối hợp, cập nhật hồ sơ đối với dự án thành phần 3 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tiến độ GPMB với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31-12-2023, là mốc thời gian rất quan trọng. Đây là dự án có tính chất bản lề, phải hoàn thành kịp tiến độ mới có thể khởi công dự án vào tháng 6-2024; đòi hỏi từng tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện.

Thứ tư, dự án đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật. Theo đó, thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. UBND thành phố Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán Nhà nước.

Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, đề nghị 3 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND thành phố Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô nói chung và 3 tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên nói riêng. Vì vậy, thành phố Hà Nội rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của cả 3 tỉnh, thành chúng ta để phấn đấu thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nội dung thống nhất để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.