(HNMO)- Ngày 4/11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
5 năm, người dân cảm nhận 5 cái mới
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình, đa số các ĐB đều khẳng định, chương trình nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân và xã hội, tạo bước đột phá đáng kể, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chưa có chương trình nào được toàn dân tích cực tham gia ủng hộ như Chương trình xây dựng NTM.
Hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt và người dân thì đón nhận và đồng thuận rất cao. Xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo được bước đột phá đáng kể làm cho bộ mặt nông thôn ở từng địa phương thay đổi.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có những cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, y tế, giáo dục, văn hoá được nâng cao và cảnh quan môi trường được đổi mới.
ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) chỉ ra cụ thể hơn khi phát biểu, qua xây dựng nông thôn mới người dân cảm nhận được có 5 cái mới.
ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) |
Thứ nhất, nhà nước quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hợp tác xã kiểu mới doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thứ hai, có nhiều máy móc mới được sử dụng trong nông nghiệp, trong làm đất thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.Thứ ba, thu nhập tăng, văn hóa nếp sống có nhiều điểm mới. Thứ tư, bộ mặt nông thôn mới hơn, hạ tầng cơ sở vật chất tốt hơn. Thứ năm, sự chuyển biến trong nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, có sự chuyển đổi về phương pháp và cách làm trong nhân dân, có sự chuyển đổi ngày càng hiểu hơn về làm cho mình, mình phải làm.
"Chương trình này là chương trình huy động nguồn lực lớn nhất trong tất cả chương trình. Kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất và mưu sinh của người nông dân, giá trị xuất khẩu tăng thu nhập người nông dân cũng tăng" - ĐB Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) nêu.
Nông thôn mới: Không phải là danh hiệu, thương hiệu!
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số vướng mắc, bất cập đã được các đại biểu chỉ rõ nhằm hoàn thiện và thúc đẩy hơn nữa việc hoàn thành mục tiêu chung. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng một số tiêu chí đưa ra còn gây lãng phí nguồn lực, như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện…
Thực tế cho thấy, không ít chợ xây xong nhưng không sử dụng, trong khi đó lại thiếu tiền đầu tư cho hạ tầng cũng như các thiết chế văn hóa như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ở từng thôn bản.
Và có tình trạng nhiều xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Báo cáo kết quả giám sát còn cho thấy, hiện có 53/63 tỉnh, thành có nợ về xây dựng nông thôn mới, chủ yếu là nợ xây dựng cơ bản.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) |
Cùng với việc khẳng định tính đúng đắn của Chương trình trong việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhưng ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị, cần điều tra, công bố đầy đủ tình trạng nợ xây dựng NTM của các xã cũng như số hộ nông dân bị huy động quá sức, bị lâm vào tình trạng khó khăn; có đánh giá cụ thể về việc chi tiêu ngân sách cho Chương trình này cũng như tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung.
Trong khi đó, ĐB Võ Kim Cự (Đoàn Hà Tĩnh) nêu ra những điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, tiêu thụ là mệnh lệnh của sản xuất, nhưng chưa được tận dụng cao, những hình thái tổ chức sản xuất đang còn manh mún, tự cung tự cấp, thậm chí là siêu nhỏ. Hiện chỉ có 1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa, nông dân sẽ thiếu người lo giống, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm…
Đại biểu Võ Kim Cự đề nghị, cần kiên trì với sự ra đời, phát triển của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hợp tác xã, có như vậy mới phát triển thành các doanh nghiệp và tổng công ty theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, đó là phát triển được con số hàng triệu doanh nghiệp trong thời gian gần nhất.
Cuối buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu ra một tranh luận ngắn gọn, nhưng khá xúc tích về tiêu chí quốc gia NTM, đặc biệt với các xã.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) |
"Đây không phải là danh hiệu, không phải là thương hiệu và càng không phải là cái đích đạt rồi để đấy mà là chiến lược quốc gia trong phát triển nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.
Đây là phương tiện để từng xã đạt được mục tiêu của mình, gồm 3 mục tiêu bao trùm: Phải giàu, tức thay đổi phương thức sản xuất, cách làm việc để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân; Phải khoẻ, tức bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, tiếp cận đến các dịch vụ y tế và thứ ba là văn hoá, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và liên quan đến giáo dục
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.