Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm tới: 100% dân Hà Nội được dùng nước sạch

Vân Hoa| 03/08/2016 09:52

(HNMO) - Một trong những chỉ tiêu quan trọng được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội là 5 năm tới, 100% người dân sẽ được dùng nước sạch.

Cân nhắc nâng chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch


Trước khi biểu quyết thông qua Kế hoạch, các đại biểu đã nghe báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế- Ngân sách và thảo luận tại hội trường về các nội dung của kế hoạch này.

Trong Báo cáo thẩm tra chung, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách cho biết, Ban cơ bản đồng tình với 17 nhóm chỉ tiêu được đề ra trong Kế hoạch. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 được đặt trong mối quan hệ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã bảo đảm tính hợp lý. Tuy nhiên, UBND Thành phố cần rà soát thêm việc tính toán chỉ tiêu tăng trưởng theo GRDP, làm rõ chỉ tiêu giá trị 1% tăng lên của GRDP và của từng ngành.

Với chỉ tiêu hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, Ban đề nghị Thành phố nên cân nhắc nâng chỉ tiêu này vì nếu đặt mức từ 95-100% như trong dự thảo Kế hoạch, thì tuy phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI nhưng nếu so sánh với mức đã thực hiện của giai đoạn 2011-2015 thì không có sự tiến bộ. UBND Thành phố cần xác định rõ chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2020 là bao nhiêu để có giải pháp tập trung thực hiện quyết liệt hơn.


Ban Kinh tế-Ngân sách cũng đánh giá, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của Hà Nội trong 5 năm tới là tương đối toàn diện, song cần bổ sung rõ hơn các chỉ tiêu cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực vì đây là kế hoạch triển khai, không nên dừng ở những định hướng, chủ trương.

Các đại biểu thảo luận về dự thảo Kế hoạch tại hội trường - Ảnh: Việt Bùi



Cùng với những kiến nghị trong báo cáo thẩm tra, khi thảo luận tại hội trường, một số đại biểu đề nghị thêm về chỉ tiêu huy động vốn xã hội, điều chỉnh chỉ tiêu người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, phân tích sâu hơn các giải pháp phát triển kinh tế tri thức, chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng; tính khả thi của việc phát triển thêm 20.000 phòng khách sạn phục vụ cho phát triển du lịch...


Tiếp thu các ý kiến này, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, trong mục tiêu 5 năm tới, Hà Nội đã bổ sung các mục tiêu phấn đấu để đi theo hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. "Cẩm nang" phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Nội cũng là tăng cường xin cơ chế đặc thù và cải thiện môi trường đầu tư.

Liên quan đến đào tạo nghề, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, chỉ tiêu tỷ lệ 70-75% lao động qua đào tạo mà Kế hoạch đặt ra đã được tính toán theo nguyên tắc đào tạo đúng ngành nghề, đào tạo theo địa chỉ chứ không phải đào tạo chung chung. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, trọng tâm của Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với đầy đủ mục tiêu, chỉ tiêu, cách làm, đề án cụ thể, phấn đấu theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, nhanh, bền vững. 

Về phát triển du lịch, Giám đốc Sở cho biết, Thành uỷ đã có Nghị quyết coi du lịch là mũi nhọn với nhiều chỉ tiêu cụ thể. UBND Thành phố đang chỉ đạo quyết liệt, rà soát số khách sạn 5 sao hiện hành và tạo điều kiện để phát triển thêm, làm sao đủ điều kiện đón 5,7 triệu khách nước ngoài trong thời gian tới, giữ chân họ lưu trú lâu hơn ở Thủ đô. 

Đề nghị của các đại biểu về đưa kế hoạch xuất khẩu của TP Hà Nội vào Nghị quyết của HĐND TP để có cơ sở thực hiện với quyết tâm chính trị cao, ông Nguyễn Văn Tứ khẳng định, Thành uỷ, UBND TP luôn coi xuất khẩu là ngành quan trọng hàng đầu, tạo cân đối về ngoại tệ. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu không đơn giản trong bối cảnh hội nhập, tuân thủ các quy luật của thị trường. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu là chỉ tiêu đạt thấp nhất, tạo ra nhiều thách thức trong năm 2016. Vì vậy, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 không đặt thành chỉ tiêu cứng, bởi chỉ tiêu này phụ thuộc quá lớn, quá mạnh vào thị trường trong nước, thị trường nước ngoài và khu vực. Thay vào đó, Thành phố sẽ đặt ra mục tiêu cụ thể từng năm để linh hoạt trong thực hiện và phù hợp hơn với thực tế.

Trước nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ hơn các chỉ tiêu về nước sạch, nước hợp vệ sinh, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã có giải trình ngắn. Chủ tịch cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI  đã phân biệt hai tiêu chí nước sạch và nước hợp vệ sinh.  Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã mua công nghệ và tới đây sẽ cho triển khai áp dụng, phấn đấu toàn Thành phố có chung một tiêu chí nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Vì vậy, Chủ tịch đề nghị HĐND Thành phố thông qua chỉ tiêu người dân nông thôn được dùng nước sạch là 100%.

Trước đề xuất trên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thống nhất, tiếp thu các nội dung này vào kế hoạch.

 5 năm tới: 100% dân Hà Nội được dùng nước sạch

Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới đã được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua với tỷ lệ ủng hộ 87,62%.

Theo đó, Thành phố đề ra mục tiêu tổng quát của giai đoạn này là huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Kinh tế tăng trưởng cao hơn, cơ cấu chuyển dịch theo đúng định hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đô thị; xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố đề ra 4 nhiệm vụ và 3 khâu đột phá, trong đó sẽ đột phá về kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 cụ thể như sau:

(1) Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%, trong đó: dịch vụ 7,8-8,3%, công nghiệp - xây dựng 10-10,5%, nông nghiệp 3,5- 4%.
(2) Cơ cấu kinh tế năm 2020: Dịch vụ 67-67,5%, công nghiệp - xây dựng 30-30,5%, nông nghiệp 2,5-3,0%.
(3) GRDP bình quân/người: 140-145 triệu đồng (khoảng 6.700-6.800 USD).

(4) Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng.
(5) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: trên 80%.
(6) Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hoá: 72%; làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hoá: 62%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 88%.

(7) Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 65-70%.
(8) Số giường bệnh/vạn dân: 26,5; số bác sĩ/vạn dân: 13,5; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế): 100%.
(9) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020: 90,1%.

(10) Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm.
(11) Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 - 75%.
(12) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.

(13) Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ (theo chuẩn mới): dưới 1,2%.
(14) Tỷ lệ hộ dân nông thôn, đô thị sử dụng nước sạch: 100%.
(15) Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020: 58-60%.
(16) Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 20-25% (trong đó đường sắt đô thị 1-3%).

(17) Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam: khu vực đô thị 95-100%; khu vực nông thôn 90-95%. Tỷ lệ Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng: 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý: 100%.

HĐND Thành phố biểu quyết thông qua Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới của Hà Nội -
Ảnh: Bùi Việt



Các chỉ tiêu này sẽ được cụ thể hóa bằng các kế hoạch cho từng lĩnh vực. Trong đó đáng chú ý, Thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế ngành, kinh tế vùng và các thành phần kinh tế. Phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao; Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát triển đồng bộ, vững chắc các loại thị trường; cơ cấu lại thị trường tài chính tiền tệ, trong đó tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tổng công ty và doanh nghiệp lớn; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển các vùng chuyên canh và xây dựng nông thôn mới;

Ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị, tập trung phát triển giao thông công cộng; xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị: Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội, triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch. Cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai: vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục); vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy), vành đai 2 trên cao (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); các đoạn vành đai 2,5; vành đai 3 dưới đất và trên cao, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; một số đoạn vành đai 3,5: từ cầu Thượng Cát – đường 32 – đại lộ Thăng Long, Hà Đông – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Triển khai các đoạn đường vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội: từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đoạn từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn trên địa bàn Hà Nội…;

Nâng cấp mở rộng các trục chính hướng tâm: quốc lộ 1A cũ đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi – Cầu Giẽ, Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai, trục Hồ Tây – Ba Vì: đoạn từ vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến Quốc lộ 32. Xây dựng các cầu lớn vượt sông: cầu Tứ Liên, cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua sông Hồng, cầu Thượng Cát, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Đuống 2, cầu Giang Biên; cải tạo, xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị, các tuyến đường tỉnh lộ qua các huyện và đường chính đô thị khu vực…;

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa và Hà Nội trở thành một Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của cả nước. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao;

Quy hoạch đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước giữa các khu đô thị mới và cũ. Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, giải quyết hiệu quả tình trạng ngập úng. Xây dựng, mở rộng một số nhà máy cấp nước, khai thác nguồn nước mặt, ưu tiên nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị và phát triển cấp nước sạch khu vực nông thôn (các nhà máy nước mặt: sông Hồng 300.000 m3/ngày đêm; sông Đuống 150.000 m3/ngày đêm; nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 lên 600.000 m3/ngày đêm); xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch.

Coi khoa học – công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững, là nhân tố quan trọng trong yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường, trước mắt khuyến khích sử dụng trong các ngành và lĩnh vực sản xuất có tác dụng lan truyền mạnh, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất khác. Hàng năm đảm bảo 2% tổng chi ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 năm tới: 100% dân Hà Nội được dùng nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.