Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi: Còn nhiều bất cập

Linh Chi| 15/07/2014 06:35

(HNM) - Luật Người cao tuổi (NCT) có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, từng bước cải thiện đời sống vật chất của phần lớn NCT. Dù vậy, sau gần 5 năm, Luật NCT đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Sau chuyến dẫn bạn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa du lịch ở Thủ đô, ông Đào Nhật Thịnh (73 tuổi, ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa) tỏ ra rất bức xúc. Luật NCT quy định NCT được giảm giá vé tham quan du lịch, giá dịch vụ giao thông, nhưng tại phần lớn những nơi này, ông phải trình bày dài dòng trước ánh mắt không mấy thiện cảm của nhân viên làm nhiệm vụ soát vé, thực hiện dịch vụ có tuổi đời chỉ bằng con, cháu ông. Họ cũng có lý khi cho rằng không biết phải giảm giá vé như thế nào cho NCT. Sau vài lần nói mãi mà chẳng ai nghe, hai ông lẳng lặng trả tiền như bất cứ một người không cao tuổi nào. Chưa kể nhiều lần đi khám chữa bệnh, ông cũng phải xếp hàng, trả tiền như những người khác. Đây là một trong những hạn chế, bất cập khi Luật NCT chưa được thực hiện triệt để trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban đại diện Hội NCT TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho rằng, có thực tế này là do công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật NCT chưa được đầy đủ, sâu rộng. NCT chưa được giảm tiền vé tàu, xe, máy bay, vé xem biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật, vé vào cửa các di tích, khu du lịch… dù luật đã quy định rõ ràng. NCT cũng chưa được khám chữa bệnh định kỳ, chưa được theo dõi, quản lý về y tế, chưa được ưu tiên khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Không ít NCT (từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, nghèo) để thất lạc giấy tờ hoặc có sự không thống nhất về ngày tháng năm sinh giữa chứng minh thư và hộ khẩu cũng phải chờ đợi xét duyệt 5-7 tháng mới được hưởng trợ cấp xã hội… Hơn nữa, với mức trợ cấp hiện nay của thành phố (350 nghìn đồng/tháng), dù đã gấp đôi mức trợ cấp xã hội do Bộ LĐ-TB&XH quy định (180 nghìn đồng/tháng), vẫn không bảo đảm cho NCT có mức sống tối thiểu. Ông Phạm Văn Ngọc cũng khẳng định rằng: Sau gần 5 năm thực hiện Luật NCT, không ai có thể phủ nhận những tiến bộ trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của NCT. Đời sống vật chất, tinh thần của NCT đã có nhiều chuyển biến tích cực, NCT được cộng đồng quan tâm chăm sóc, mừng thọ, chúc thọ, NCT từ 80 tuổi trở lên được hưởng một trong những khoản trợ cấp xã hội như lương hưu, ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội…

Dù vậy, vẫn còn một thực tế khá phổ biến là mới chỉ có Hội NCT tuyên truyền về Luật NCT. Công tác tuyên truyền giúp NCT nắm vững quyền lợi của mình cũng chưa đầy đủ, sâu rộng. Nhiều cơ quan, người dân vẫn chưa hiểu, hoặc chỉ hiểu lơ mơ, chưa được hướng dẫn thực hiện luật như thế nào. Điều này đã dẫn tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ công cộng (như dịch vụ vận tải hàng không, taxi, các điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng…) không thực hiện giảm giá, vì không được hướng dẫn, không được hỗ trợ kinh phí. Luật NCT đã ban hành 5 năm, nhưng các quy định vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Đáng nói hơn, các hành vi vi phạm Luật NCT cũng không có chế tài răn đe, phòng ngừa…

NCT có vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Chăm sóc, phát huy vai trò NCT là nghĩa vụ, trách nhiệm của từng gia đình và của cộng đồng. Để Luật NCT phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an sinh, phát huy vai trò của NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, rất cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Luật NCT, giúp người dân và toàn xã hội nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp rà soát, ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai Luật NCT; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật NCT và các văn bản liên quan; bổ sung chế tài răn đe, hạn chế hành vi vi phạm Luật NCT. Nhưng hơn hết, cần có một lộ trình thực hiện luật, huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của NCT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi: Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.