Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội trên tầm cao mới

Ngọc Trâm| 01/08/2013 05:44

LTS: Điểm lại thành tựu nổi bật trong hành trình Hà Nội thực hiện quyết sách mang tính thời đại là nội dung loạt bài, Báo Hànộimới trân trọng gửi đến bạn đọc.

LTS: Hôm nay, tròn 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội. Vượt lên những thách thức, trở ngại ban đầu, Thủ đô hôm nay đã tiến những bước dài, với vóc dáng và hình hài rạng rỡ. 5 năm ấy, Hà Nội đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá làm hành trang cho chặng đường tiếp theo - vươn tới tầm cao mới, dựng xây Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Điểm lại thành tựu nổi bật trong hành trình Hà Nội thực hiện quyết sách mang tính thời đại là nội dung loạt bài, Báo Hànộimới trân trọng gửi đến bạn đọc.

Bài 1: Hành trang quý giá trên con đường phát triển

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn sau khi mở rộng địa giới hành chính, song 5 năm qua với tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã đạt thành tựu toàn diện, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của nhân dân cả nước.


Vươn mình mạnh mẽ

Không khó để nhận ra những đổi thay trong bức tranh tổng thể của Thủ đô Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính. Tựa lưng vào dãy Tam Đảo, Ba Vì, hướng ra Biển Đông rộng lớn, trong mạch nguồn của đất Thăng Long xưa đang hiện hữu một Hà Nội từng ngày, từng giờ vươn mình mạnh mẽ. Phát huy tối đa lợi thế và nguồn lực của Thủ đô mở rộng, những kết quả Hà Nội đạt được trong 5 năm qua thật ấn tượng.

Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,51%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.697 USD/người). Dù phải chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế kéo dài song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô luôn gấp 1,5 lần so với mức bình quân của cả nước… Với việc đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 23,5% vốn đầu tư phát triển của cả nước… kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, trung bình hàng năm thành phố hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội mỗi năm giảm 1,5-2%, đến cuối năm 2012 còn 3,55% với 59.365 hộ. Năm 2013, sẽ có khoảng 16.500 hộ được hỗ trợ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%. Đáng chú ý, chuẩn nghèo và một số mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố luôn được nâng lên và cao hơn mức chung toàn quốc thời gian qua.

Khu vực nông thôn ngoại thành - địa chỉ luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt sau ngày mở rộng - đã có sự "thay da đổi thịt". Đến cuối năm 2012, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới toàn thành phố lũy kế đạt hơn 8.514 tỷ đồng. Hiện đã có 161/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó có 27 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt khoảng 23 triệu đồng/người/năm.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; hạ tầng giao thông và vệ sinh môi trường đô thị... của thành phố đều được cải thiện đáng kể. Chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được củng cố và tăng cường. Hà Nội cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 thủ đô, thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ.

Mức tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội trong 5 năm qua luôn gấp 1,5 lần so với cả nước. Ảnh: Huy Hùng


Thành công nhờ "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm"

Sau mở rộng địa giới hành chính, quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính của Hà Nội đều tăng vọt. Đặc biệt, tỷ trọng nông nghiệp lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, miền núi gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện còn thiếu thốn... đã là những thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, việc hợp nhất toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Hà Nội, Hà Tây và các địa phương có liên quan đã đặt hệ thống chính quyền các cấp phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, phức tạp.

Vào thời điểm 5 năm về trước, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với Đảng bộ, chính quyền Thủ đô chính là công tác cán bộ. Do quy định phân bổ biên chế đối với cấp huyện của các địa phương khác nhau, Hà Nội xác định không tăng biên chế cho các sở, ngành, nhưng giao bổ sung tăng biên chế cho cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới. Bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương và nhờ làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, trên nguyên tắc vì lợi ích công việc chung, bảo đảm hài hòa giữa luân chuyển và điều động cán bộ và sự tự giác của từng cán bộ, đảng viên, việc điều chuyển, phân công công việc tại các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễn ra thông suốt. Công tác tư tưởng cũng đặc biệt được coi trọng, bảo đảm ổn định nội bộ, đoàn kết, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc nhờ vậy đã giúp sớm ổn định bộ máy để vận hành công việc đồng bộ, nhịp nhàng.

Trận mưa lịch sử vào những ngày cuối tháng 10-2008 là "phép thử" đầu tiên với hệ thống chính quyền các cấp của thành phố sau ngày mở rộng. Mưa lớn liên tục đã khiến khu vực nội thành ngập úng cục bộ, còn tại ngoại thành nhất là các vùng trũng như Mỹ Ðức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín nước ngập trắng đồng. Cùng với nỗ lực tiêu úng, thành phố cũng đẩy mạnh công tác cứu trợ, cung cấp lương thực, chất đốt, thuốc chữa bệnh cho những vùng dân cư bị úng ngập sâu. Cả hệ thống chính trị dồn nỗ lực cao nhất để vượt qua thử thách đầu tiên sau 3 tháng mở rộng địa giới hành chính.

5 năm, khối lượng công việc phải giải quyết trên địa bàn Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính là rất lớn. Đặc biệt, những tác động xấu, trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, hàng loạt các vấn đề khó, tồn đọng đã được thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời như xử lý các vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng; giải phóng mặt bằng thành công ở những nơi đã kéo dài nhiều năm, tưởng bế tắc như nút giao thông Thanh Xuân, đường Nguyễn Văn Cừ. Nạn ùn tắc giao thông đã từng bước được khắc phục bằng các biện pháp đồng bộ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, ngoài yếu tố chủ trương, quyết sách đúng, khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, thành phố Hà Nội đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm: "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm". Thành công lớn nhất của Thủ đô trong thời gian vừa qua là sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đó là kết quả quan trọng nhất, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được những thành tựu trên mọi lĩnh vực.

5 năm đã đi ghi dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của Thủ đô Hà Nội. Dù phía trước vẫn còn thử thách, nhưng với tinh thần "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm" cùng những kinh nghiệm, bài học và những kết quả toàn diện đã đạt được sẽ là hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội dựng xây một Thủ đô giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, hiện đại, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội trên tầm cao mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.