(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) về "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (ban hành ngày 30-1-2008).
5 năm qua, thành phố đã đổi mới nền kinh tế theo hướng năng động và hiệu quả trên tinh thần "vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa".
Giải pháp chính trong thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) là "Hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh". Trong 5 năm qua, Hà Nội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn về nội dung này. Trong giai đoạn 2008-2013, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức lại 420/490 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đến hết năm 2012, số lượng DN còn 100% vốn sở hữu nhà nước đều tăng quy mô vốn, bình quân mỗi DN có vốn trên 148 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các DN này tăng khoảng 700% so với thời điểm 2001.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể hóa hơn chủ trương của TƯ, ngày 11-12-2009, Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án 01-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Kết quả là số lượng HTX, liên hiệp HTX tăng so với trước. Loại hình HTX cũng ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình HTX mới như HTX của các chủ trang trại, HTX chợ, HTX vệ sinh môi trường, HTX nhà ở, HTX trong trường học… Hiệu quả hoạt động của các HTX cũng tích cực hơn so với tình trạng yếu kém phổ biến của loại hình kinh tế này trước đây. Theo đánh giá, trong số 1.358 HTX và quỹ tín dụng nhân dân của thành phố, có 15,7% đạt hiệu quả tốt, 30,6% đạt hiệu quả khá, 42,1% đạt hiệu quả trung bình, còn 11,6% đạt yếu kém.
Trong giai đoạn 2008-2012, ở Hà Nội, có thêm trên 81.000 DN đăng ký mới. Bất chấp làn sóng DN khó khăn phải ngưng hoạt động, giải thể, 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố vẫn có trên 7.500 DN đăng ký mới, nâng tổng số DN trên địa bàn thành phố lên 145.000 DN. Trong giai đoạn này, Hà Nội thu hút được lượng vốn lớn từ các nguồn đầu tư nước ngoài: 1.357 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 9 tỷ USD; 88 dự án vốn ODA với giá trị tài trợ trên 3,2 tỷ USD.
Một nội dung lớn khác của Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) là "Hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường" cũng được thành phố triển khai tích cực. Trong đó, thị trường hàng hóa, dịch vụ có những bước phát triển vượt bậc, Hà Nội góp phần quan trọng đưa thị trường Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới hấp dẫn nhất đối với các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên đối với các loại thị trường khác, thành phố mới chỉ xây dựng được một số nội dung mang tính chất cơ sở như sàn giao dịch việc làm cho thị trường lao động, Trung tâm giao dịch công nghệ Hà Nội cho thị trường công nghệ…
Nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) đặt ra đối với các cấp ủy Đảng là phải hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường. 5 năm qua, đây là một trong những nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội ưu tiên. Nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hài hòa với phát triển xã hội đã được ban hành. Kết quả cụ thể biểu hiện sinh động trên nhiều lĩnh vực. Đến tháng 5-2013, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố lên tới 4.134 tỷ đồng. Thành phố đã xóa xong nhà dột nát với việc hỗ trợ xây, sửa 3.296 ngôi nhà. Trung bình mỗi năm, thành phố hỗ trợ trên 20.000 hộ gia đình thoát nghèo. Tỷ lệ "bao phủ" bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt 68,91%, tương đương với 4,91 triệu người. Đây cũng là giai đoạn thành phố tập trung giải quyết các lĩnh vực ô nhiễm gây bức xúc, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xử lý ô nhiễm sông, hồ, nâng cao khả năng xử lý chất thải…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) về thể chế kinh tế của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Nổi bật là DNNN còn trì trệ, kém hiệu quả, dựa dẫm vào các ưu đãi và vị trí độc quyền, chưa tương xứng với "vai trò chủ đạo" và vị thế "định hướng xã hội chủ nghĩa". Các thành phần kinh tế khác tuy có phát triển nhưng chưa vững chắc như kinh tế tập thể hoặc quy mô nhỏ như kinh tế tư nhân; khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Thủ đô cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Các loại thị trường còn nhiều bất hợp lý và yếu kém. Đây là những nội dung đã được thành phố chỉ rõ, đồng thời xác định tập trung giải quyết trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.