BS Louise van den Berg đã giải thích 1 số lầm tưởng về đường và dẫn chứng những nghiên cứu có tính khoa học mâu thuẫn với những suy nghĩ này.
1. Đường gây béo ú
Đường, như nhiều loại thực phẩm khác, rất giàu cacbon-hydrate và kết quả là nếu ăn nhiều mà không luyện tập thì chắc chắn cân nặng sẽ tăng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy một lượng đường vừa phải trong 1 chế độ ăn ít dinh dưỡng lại không tác động tiêu cực tới sự giảm cân, so sánh với chế độ ăn không có thêm đường.
Chuyên gia dinh dưỡng van den Berg cho biết các nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều đường có xu hướng giảm lượng chất béo và kết quả là họ không tăng cân quá mức.
2. Đường gây ra bệnh đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ và nhiều tổ chức khoa học khác, đường không gây ra bệnh này. Đái tháo đường là do sự kết hợp của gen và các yếu tố lối sống. Tuy nhiên, thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Nếu gia đình có người mắc tiểu đường thì cần lựa chọn 1 chế độ ăn phù hợp và thường xuyên luyện tập để duy trì cân nặng.
3. Đường làm hỏng răng
BS Louise cũng lưu ý rằng cacbon-hydrate trong thực phẩm đều được tiêu hóa trong miệng và chuyển hóa thành đường. Bà nhấn mạnh rằng cơ thể người không phân biệt các loại đường khác nhau.
Điều này có nghĩa cơ thể sẽ không thực sự phân biệt được đường trong bánh mỳ hay đường trong kẹo. Điều quan trọng là răng càng tiếp xúc lâu với thực phẩm có tính axit (chẳng hạn như mỡ, dầu, hoa quả, sữa có đường, đường…) thì các lỗ hổng ở răng xuất hiện càng nhiều.
Van den Berg cho biết có 1 số cách bảo vệ răng như uống bằng ống hút, ăn đường cùng với các thực phẩm khác và uống sữa không đường sau bữa ăn sẽ giúp giảm thiểu sâu răng.
4. Đường làm trẻ trở nên khó bảo
Bạn đưa trẻ đến 1 bữa tiệc và khi đưa bé trở về, cậu bé nhảy nhót mạnh đến mức đổ cả các bức tường… là những ví von được đưa ra để nhắc nhở các bậc cha mẹ không nên cho con ăn nhiều đường.
Thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng các bữa tiệc nhiều đồ ngọt liên quan với sự hiếu động thái quá ở trẻ em. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ này thực chất còn đối lập với quan niệm của cha mẹ.
Đường làm trẻ buồn ngủ chứ không phải là tăng vận động. Van den Berg cho rằng không phải đường làm cho trẻ trở nên khó bảo mà là do trẻ quá phấn khích với sự kiện vừa được tham gia.
5. Đường có thể gây nghiện
Theo BS Van den Berd, đường làm tăng mức độ serotonin trong cơ thể (hooc-môn làm tăng cảm xúc) nhưng không đến mức tồi tệ như chúng ta nghĩ. Vì nó có thể làm tăng hương vị của các món ăn giàu dinh dưỡng và ở mức vừa phải nó là một vị ngọt làm cuộc sống thêm thú vị.
Chìa khóa của vấn đề là đừng ăn quá nhiều đường và hãy thường xuyên luyện tập. Với chế độ ăn uống cân bằng, lối sống lành mạnh và khả năng tự kiểm soát bản thân tốt, chúng ta có thể thích thú thưởng thức đồ ngọt mà không sợ mình đang đi vào con đường tối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.