Lọc nước biển thành nước ngọt, vacxin điện tử chữa bách bệnh… những công nghệ này sẽ giúp cải thiện cuộc sống con người trong tương lai.
Biến nước biến thành nước ngọt, xe ô tô tự lái, những căn nhà thông minh với các thiết bị gia đình có thể điều khiển từ mọi nơi. Nghe có vẻ như những công nghệ này chỉ có thể xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng nào đó, thế nhưng, không ít trong số chúng đã đạt đến giai đoạn nghiên cứu cuối cùng và sẵn sàng có mặt trên thị trường đại trà. Các chuyên gia đã điểm qua 5 công nghệ siêu tưởng, nhưng đang dần biến thành sự thực.
Sợi nano lọc nước biển thành nước uống
Có thể bạn chưa biết, nước chiếm đến 3/4 diện tích thế giới, nhưng chỉ khoảng 2,5% trong số đó có thể sử dụng cho sinh hoạt của con người. Lượng nước hạn chế, cùng với tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang đặt vấn đề cung cấp nước sạch cho con người lên mức cấp thiết.
Trong tương lai, sợi nano có thể sẽ là giải pháp cực kì hiệu quả trong việc giải quyết thách thức này. Theo đó, sợi nano về cơ bản là một chất liệu xơ có kích thước vô cùng mỏng (nhỏ hơn 100 nanomet), có thể hoạt động hiệu quả như một công cụ lọc muối trong nước bởi các hạt muối tồn tại trong nước quá to để có thể vượt qua được các lỗ nhỏ trong sợi nano.
Đáng tiếc, hiện nay phương pháp lọc nước này vẫn còn quá đắt đỏ để có thể áp dụng trên quy mô lớn.
Ngôi nhà thông minh
Openarch là mẫu căn nhà thông minh trong tương lai mà công ty Think Big Factory đang hướng tới. Ngôi nhà được kết nối với các công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhất bao gồm cả mạng internet. Một hệ điều hành cho phép kiểm soát mọi hoạt động diễn ra trong căn nhà sẽ được hiển thị trên tường, sàn và trần nhà. Bạn có thể truy cập mạng xã hội, tin tức, chơi game trực tuyến hay thậm chí cả màu sơn tường nếu điều đó làm bạn thoải mái.
Với sự trợ giúp linh hoạt của hệ điều hành này, bạn chỉ cần nằm một chỗ vào quan sát mọi việc, sử dụng giọng nói, cử chỉ của mình để điều khiển những vật dụng thông minh khác được kết nối với mạng lưới của ngội nhà Openarch.
Công nghệ thực tế ảo
Công nghệ thực tế ảo, hay còn gọi là thực tại ảo (tiếng Anh là virtual reality - VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính.
VR là một hệ thống mô phỏng, trong đó, đồ họa máy tính được sử dụng để tạo ra một thế giới "như thật". Hơn nữa, thế giới "nhân tạo" này không tĩnh tại, mà lại phản ứng, thay đổi theo ý muốn (tín hiệu vào) của người sử dụng (nhờ hành động, lời nói,..). Điều này xác định một đặc tính chính của VR, đó là tương tác thời gian thực (real-time interactivity).
Tại các nước phát triển, chúng ta có thể nhận thấy VR được ứng dụng trong mọi lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc... và đáp ứng mọi nhu cầu về nghiên cứu, giáo dục, thương mại, dịch vụ.
Vacxin điện tử nano chữa bách bệnh
Công nghệ robot nano siêu nhỏ cho phép con người can thiệp vào cơ thể ở mức độ tế bào. (Ảnh minh họa)
Từ xưa, mong muốn được “trường sinh bất lão" đã luôn được coi là ước muốn của nhiều người. Dù đương nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng sự phát triển của nền y học hiện đại, trong đó có sự ra đời của công nghệ robot nano đang dần giúp mọi người sống lâu và khoẻ mạnh hơn.
Robot Nano hay còn gọi là Nanobot, là một loại robot siêu nhỏ, kích cỡ chỉ vài nanomet, có khả năng xâm nhập và điều khiển các bộ phận ở mức độ phân tử. Với công nghệ robot nano, các nhà khoa học có thể lập trình, đưa chúng vào trong cơ thể để kiểm soát mọi thứ, chủ động chữa mọi bệnh tật...
Ứng dụng của nanobot trong y học có thể nói là một cuộc cách mạng trong công cuộc cứu chữa bệnh. Các nanobot được lập trình, sau khi đưa vào trong cơ thể, sẽ chủ động tấn công nguồn bệnh, cô lập các tế bào gây bệnh một cách riêng rẽ và chính xác, các mô, tế bào bình thường không nhiễm bệnh sẽ được bảo toàn. Nếu nanobot được đưa vào để chữa trị ung thư, các tế bào ung thư sẽ được tiêu diệt hoàn toàn và không ảnh hưởng tới các tế bào khác như các cách chữa trị thông thường.
Công nghệ xe tự lái
Xe ô tô tự lái không còn là ý tưởng, không còn là viển vông nữa, mà đang ngày càng hiện hữu trong thực tế đời sống của nhân loại.
Các hãng xe hơi danh tiếng, các hãng công nghệ hàng đầu đã và đang tiến hành thử nghiệm để cho ra mắt các sản phẩm xe tự lái trong suốt thời gian vừa qua, có thể kể đến như hãng ô tô danh tiếng Ford, hay thậm chí là công ty công nghệ Uber.
Theo dự đoán của các chuyên gia, chỉ khoảng 10 tới 15 năm nữa, xe tự hành sẽ là một lựa chọn phương tiện giao thông mới, song song với các phương tiện truyền thống hiện có. Điều này sẽ giúp con người tiết kiệm được vô số thời gian, giảm thiểu tai nạn giao thông, giải quyết các vấn đề về môi trường, tăng gia sản xuất...
Mới đây nhất, công nghệ này đã đạt được bước tiến tiếp theo, khi Uber vừa triển khai xe tự lái tại Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ. Sau 2 năm kể từ ngày Uber thành lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ tiên tiến (Advanced Technologies Center) ở Pittsburgh, người dùng Uber đã có cơ hội thử xe tự lái trong thành phố này. Đoàn xe tự lái của Uber ở Pittsburgh gồm 14 chiếc Ford Fusion có gắn rất nhiều các thiết bị công nghệ phục vụ cho việc tự lái trên đường của chiếc xe.
Vì những chiếc xe Uber tự lái này vẫn đang trong gian đoạn thử nghiệm nên trên xe sẽ luôn có 2 nhân viên của Uber túc trực. Một người chịu trách nhiệm ngồi ở ghế lái, sẵn sàng xử lý các trường hợp bất ngờ hay nguy hiểm. Người thứ hai sẽ giám sát phần mềm của hệ thống máy tính, bảo đảm chúng luôn hoạt động mượt mà suốt chuyến đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.