(HNM) - Đến nay dự án (DA) đầu tư xây dựng cầu, đường từ Khu đô thị (KĐT) Mỗ Lao nối với đường Lê Văn Lương kéo dài mới hoàn thành gần 60% khối lượng xây dựng.
Điều này đồng nghĩa với việc đi lại của người dân từ KĐT Mỗ Lao, đường Thanh Bình ra đường Lê Văn Lương tiếp tục gặp khó khăn do đoạn cuối đường Thanh Bình hẹp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Cầu nối khu đô thị Mỗ Lao với đường Lê Văn Lương “đắp chiếu” nhiều năm. Ảnh: Minh Tuấn |
Ngày 16-11-2010, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5701/QĐ-UBND, phê duyệt DA đầu tư xây dựng cầu, đường từ KĐT Mỗ Lao nối với đường Lê Văn Lương kéo dài với tổng mức đầu tư 132.805 triệu đồng. DA có nguồn vốn từ ngân sách thành phố, do Ban Quản lý DA giao thông 1 (Sở GTVT Hà Nội) làm đại diện chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, DA xây dựng cầu, đường từ Khu ĐTM Mỗ Lao nối đường Lê Văn Lương kéo dài dài 192m, điểm đầu giao với đường Thanh Bình và đường 36m của KĐT Mỗ Lao (Mộ Lao, Hà Đông), điểm cuối tuyến giao với đường Lê Văn Lương kéo dài.
Thực tế tại khu vực triển khai DA cho thấy, trên công trường có nhiều thiết bị, nguyên liệu thi công (sắt, thép…), máy móc chuyên dụng để ngổn ngang. Do DA ngừng thi công lâu ngày, lại không được che đậy, bảo quản cẩn thận nên một số thiết bị, nguyên liệu thi công đã hoen gỉ. Đến nay, đơn vị thi công mới cơ bản hoàn thành 2 trụ cầu; hoàn thành mố cầu M2 và lao, lắp, đổ bê tông mặt nhịp cầu thứ 3 phía đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc quận Nam Từ Liêm; đúc xong toàn bộ phần dầm cầu. Về phần đường, đến nay đã thi công xong lớp cấp phối đá dăm đoạn từ đầu cầu nối với đường Lê Văn Lương kéo dài.
Theo đánh giá của Ban Quản lý DA giao thông 1 (Sở GTVT Hà Nội), đến nay giá trị xây dựng của DA đạt gần 60% khối lượng. Hiện tại, mố cầu M1 chưa được thi công nên chưa thể lao, lắp dầm nhịp cầu thứ 1, 2 mặc dù toàn bộ phần dầm cầu đã đúc xong từ lâu. Phần đường phía đường Thanh Bình thuộc phường Mộ Lao (Hà Đông), hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, tổ chức giao thông phía quận Hà Đông chưa thể thi công vì chưa có mặt bằng. Anh Nguyễn Sỹ Hùng, Phòng DA 3, Ban Quản lý DA giao thông 1 cho biết, nguyên nhân chính khiến DA chậm tiến độ là do thiếu vốn bởi tổng chi phí xây dựng của DA là 70.051 triệu đồng, nhưng đến nay mới được bố trí gần 40.500 triệu đồng. Đầu năm 2014 DA không được bố trí vốn nên việc thi công phải dừng lại và đến tháng 7-2014 mới được UBND thành phố bố trí tiếp 11.000 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu để chi trả cho công tác GPMB và hiện đã được giải ngân hết; do vậy, với khối lượng xây dựng còn lại thì nguy cơ DA dở dang đã thấy rõ.
Được biết, hiện nay quận Hà Đông đang thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với các hộ dân có đất thu hồi phục vụ DA thuộc phường Mộ Lao. Dự kiến đến giữa tháng 9-2014 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai tiếp… Song, với thực trạng vốn được giao như trên, DA cũng chỉ thi công cầm chừng. Điều này đồng nghĩa với nút giao thông tại khu vực này vẫn đang bị "thắt"; sự kỳ vọng vào việc giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến Nguyễn Trãi, Trần Phú, Thanh Bình từ DA này vẫn chưa được "thông" và nỗi bức xúc của người dân do DA chậm tiến độ vẫn hiện hữu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.