(HNMO) - Kết quả kiểm tra 7 mặt hàng thiết yếu vừa được các đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính tiến hành cho thấy, có 4 doanh nghiệp điều chỉnh mức tăng giá bán sản phẩm cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng...
Tháng 4/2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với 7 mặt hàng tại 21 doanh nghiệp, gồm: 4 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng, 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 4 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hóa học, 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 doanh nghiệp sản xuất đường ăn và 2 doanh nghiệp kinh doanh sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Mục tiêu của việc kiểm tra này là nhằm kiểm soát các doanh nghiệp trong việc thực hiện đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá đã đăng ký, niêm yết; kiểm soát chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nhằm xác định xem các doanh nghiệp có lợi dụng việc một số chi phí đầu vào có biến động tăng để tăng giá bất hợp lý, lợi dụng để trục lợi hay không. Việc kiểm tra được thực hiện đối với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá, là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Phân bón hóa học là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong 7 mặt hàng thiết yếu vừa được kiểm tra. Ảnh minh họa |
Kết quả kiểm tra được Bộ Tài chính công bố chiều 27/6 cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2011, chỉ có mặt hàng đường ăn là giảm giá, còn lại 6/7 mặt hàng được kiểm tra tăng giá so với thời điểm 31/12/2010; trong đó tăng cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học, tăng khoảng 25%, thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1,05% đến 2,56%.
Cụ thể, mặt hàng khí hóa lỏng các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 5 lần, điều chỉnh giảm giá 1 lần; tăng từ 4,55% đến 11,92% trên hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; mặt hàng phân bón hóa học được doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 5 lần, với mức tăng tổng cộng khoảng 25%; mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 1 lần, trung bình tăng từ 8% đến 11,5%; mặt hàng thức ăn chăn nuôi các doanh nghiệp tăng giá 6 lần, trung bình tăng từ 1,05% đến 2,56%; mặt hàng xi măng các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá nhiều nhất là 3 lần, giảm giá 1 lần, giá bán trung bình tăng 18,9% đến 19,39 %; mặt hàng thép xây dựng các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá từ 4 đến 6 lần tăng trung bình từ 14% đến 14,2%; riêng mặt hàng đường ăn đầu năm 2011 giá giảm nhẹ từ 1,2% đến 5% do trong tháng 11-12/2010 đã tăng giá từ 14% đến 15%.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp được kiểm tra, có 4 doanh nghiệp điều chỉnh giá bán chưa phù hợp, mức điều chỉnh giá bán tăng cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng.
Đó là: Công ty Xi măng Hoàng Thạch, doanh nghiệp này tăng giá bán bình quân 171.637 đồng/tấn, tương đương 18,22%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1% so với giá thành năm 2010.
Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán bình quân 163.636 đồng/tấn, tương đương 18,95%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 16,3% so với giá thành năm 2010.
Công ty cổ phần Việt Pháp tăng giá bán thức ăn gia súc 860.000 đồng/tấn, tương đương 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 509.910 đồng/tấn, tương đương 6,49%.
Mặt hàng phân urê Phú Mỹ của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí tăng 1.600.000 đồng/tấn, tương đương 25%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 9,25% so với giá thành năm 2010.
Cũng qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các doanh nghiệp vẫn chưa được chấp hành đầy đủ. Các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng chưa thực hiện đăng ký giá đầy đủ như: chưa thực hiện đăng ký đầy đủ các mặt hàng mà công ty thực bán; đăng ký giá bán cho đơn vị sản phẩm chưa rõ ràng.
Vì vậy, các đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá bán cao bất hợp lý so với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào, cắt giảm các khoản chi như quảng cáo, tiếp thị để hạ giá bán sản phẩm; thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá; ...Các công ty xi măng khẩn trương làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam để xử lý số tiêu hao vật tư năm 2010 và quyết toán thuế theo đúng quy định.
Liên quan đến thuế, qua công tác kiểm tra, các đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng đã phát hiện việc vi phạm pháp luật về thuế của một số doanh nghiệp và đã xử lý truy thu vào ngân sách nhà nước 20,723 tỷ đồng; trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp là 19,788 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 935 triệu đồng.
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá, trong đó tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá để có đủ chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá, bảo đảm vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa ổn định giá cả, chống các hành vi lợi dụng tăng giá, trục lợi, bảo đảm đời sống nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.