Những tác phẩm trâu tại triển lãm.
Quyết định chọn con số 36, dường như Lê Đình Nguyên cũng còn một ngụ ý khác: lấy con số 36 để nói một lời tri ân với "Hà Nội 36 phố phường" mảnh đất mình đã sống và cũng mong muốn bằng hành động cụ thể, dù nhỏ bé, góp vào năm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi.
Thực ra triển lãm này đã có thể diễn ra từ đầu năm 2009, nhưng họa sĩ Lê Đình Nguyên muốn chuẩn bị kỹ hơn cho triển lãm cá nhân đầu tiên. Vì thế, anh dành gần một năm qua để trau chuốt bộ tác phẩm ưng ý này. Đây cũng chính là cách Lê Đình Nguyên khám phá khả năng tiềm ẩn của mình. Anh đã biết làm mới, biết "thổi hồn" vào những vật dụng rất đỗi gần gũi với người nông dân như thân cây, mẩu gỗ, dây thừng, cái dậm, cái gầu sòng, cối giã… để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Lê Đình Nguyên quan niệm: "Nếu chỉ dùng lại những chất liệu của dân gian thì người xem sẽ bảo thế này thì mấy bác nông dân cũng làm được, là sự "bê nguyên", là sự "ăn cắp"... Tôi trân trọng những chất liệu đó, nhưng cố gắng tìm một cách khác, để "nâng" nó lên thành tác phẩm, có ngôn ngữ nghệ thuật theo ý riêng". Như tác phẩm "Trâu dậm", anh dùng cái dậm, cái gầu sòng, cái đòn gánh, cái dây thừng của người nông dân kết hợp bồi thêm giấy dó rồi vẽ lên đó hình ảnh theo ý tưởng của riêng mình. Hay tác phẩm "Trâu tình", chưa ai dùng cái liềm để làm sừng trâu. Nhưng Lê Đình Nguyên làm. Song anh lại không lấy nguyên cái liềm của người nông dân, mà vào làng Đa Sĩ, ngồi với bác thợ rèn, để làm cái liềm sừng trâu cho tác phẩm của mình.
Nói về "triển lãm trâu tiễn năm Sửu" của họa sĩ Lê Đình Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương - chủ của Gallery 39A Lý Quốc Sư cho rằng, các tác phẩm của Lê Đình Nguyên trong triển lãm này như "Trâu nước", "Trâu cối", "Trâu cầu", "Trâu phố", "Trâu tời", "Trâu cổng", "Trâu bát", "Trâu lá", "Trâu dậm"… là sự thống nhất của mạch tư duy làm truyền thống hiện đại hơn và làm hiện đại có truyền thống hơn. Điêu khắc đâu chỉ là đục khoét, đẽo gọt. Những con trâu của Nguyên có yếu tố này nhưng nó chỉ là bè phụ. Cái bè chủ đạo, cái mới, cái sáng tạo của Nguyên để làm thành "Trâu Nguyên" chính là anh đã cho trâu hóa thân vào cối (giã gạo), vào cầu (cầu Thê Húc), vào phố (phố cổ), vào cổng (cổng làng)... bằng cách lắp ghép, kết nối, cộng trừ, đan cài, pha trộn cái phần phụ, phần điêu khắc nghĩa đen với đồ dùng, dụng cụ hằng ngày, bình thường của đời sống nông nghiệp… Những đồ vật quen thuộc: gầu sòng, dậm, hom, đó, dế, dùi đục, chày cối, chuông mõ, dao quắm… bỗng trở nên khác lạ và đặc biệt".
Nhiều người nhận xét, đây là một cuộc triển lãm rất lạ, vì bấy lâu nay chưa ai dấn sâu làm điêu khắc riêng về trâu, dù biết rằng đó là con vật rất gần gũi với người dân Việt Nam. Họa sĩ Lê Đình Nguyên đã chọn trâu, vì với anh, đó là con vật có sức biểu cảm, gần gũi đến thân thương và lay động trước hết là chính mình, sau nữa có thể tìm được sự đồng cảm từ nhiều người. Có lẽ vì thế, mỗi tác phẩm của Lê Đình Nguyên có cách đặt tên rất thú vị, như "Trâu tằm", "Trâu cối", "Trâu nước", "Trâu phố"…
Họa sĩ Lê Đình Nguyên tuổi Canh Tý (sinh năm 1960 tại Hà Nội), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1987, hiện nay làm họa sĩ chính của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Triển lãm "Trâu Nguyên" sẽ diễn ra đến hết ngày 5-2 .