“Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam”

(Trích Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng)

“Giờ ít người còn nhớ chuyện chỉ được chia 1,5 lạng thịt mỗi tháng hay cán bộ thì được 5 mét vải, người dân được 4 mét, chị em phụ nữ mỗi năm được cấp một chiếc quần đen…”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở lời khi có khách tới thăm gợi chuyện “35 năm đổi mới”…

Bên hồ Kim Liên (quận Đống Đa) sáng một ngày đông hửng nắng, những kỷ niệm, những câu chuyện thiếu thốn, gian khó của một thời “tem phiếu” bao cấp như chỉ chờ dịp là tuôn trào trong trí nhớ minh mẫn. Giọng kể của người cán bộ lão thành đã bước sang tuổi 84 đôi lúc lạc trong xúc động khi so sánh chuyện xưa với nay…

Những chuyện
“mơ cũng không thấy”

“Chúng tôi đã qua thời bao cấp nên vô cùng thấm thía khi được thấy, được hưởng thụ những thành quả đất nước đạt được hôm nay”, ông Túc nối tiếp câu chuyện. Là người từng gắn bó qua 9 thế hệ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi nhiệm kỳ đại hội của Mặt trận đều tương xứng với nhiệm kỳ đại hội Đảng, nên ông tự nhận mình đã may mắn được đồng hành cùng mọi thăng trầm phát triển, cho tới chặng đường lịch sử, đất nước có cơ đồ, vị thế và uy tín như hôm nay.

Nhắc về chuyện xưa, ông đau đáu nhớ “chúng ta” dù là đất nước nông nghiệp nhưng lại phải đi “ăn vay, ăn đong”, thậm chí có lúc phải xin viện trợ lương thực, để phân phối cho mỗi người 13,5kg gạo/năm. Và sau 35 năm đổi mới, chuyện về gạo trên đất nước Việt Nam hôm nay là thế mạnh xuất khẩu của một trong những quốc gia đứng đầu thế giới. “Đó là điều mà thế hệ chúng tôi khi trước mơ cũng không thấy” - ông Nguyễn Túc cảm thán.

Từ chuyện xuất khẩu gạo, ông khái quát trên bình diện đầy đủ, rộng lớn hơn. Đó là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh trên thế giới và cả trong nước, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế - xã hội. Nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh; ổn định đời sống nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta.

Infographic: Kinh tế Việt Nam sau 35 năm đổi mới

Nói về “sức hấp dẫn” của nền kinh tế Việt Nam sau 35 năm đổi mới để nhấn mạnh đến uy tín, vị thế của đất nước “nay đã khác”, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương lại nhấn mạnh đến con số 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, cũng như chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Quan hệ đối ngoại đã nâng tầm vị thế đất nước khi chúng ta cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

“Mong ước của Bác Hồ là chúng ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” đã thành hiện thực khi Chủ tịch nước chúng ta sánh vai với chủ tịch các cường quốc trên thế giới tại Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra năm 2017 tại Đà Nẵng. Hình ảnh này cũng nói lên một Việt Nam rất khác trước, với tầm vóc, phong độ khác hơn, có sự tin tưởng hơn…”, GS.TS Vũ Văn Hiền khẳng định.

Xây dựng Đảng -
“thương hiệu” của Đại hội XII

Theo GS.TS Vũ Văn Hiền, một trong những dấu ấn nổi bật của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt đã trở thành “thương hiệu” của Đại hội lần thứ XII chính là công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ rệt.

“Chưa bao giờ có đại hội nào mà công tác xây dựng Đảng lại được tăng cường như vậy. Toàn bộ hệ thống chính trị được tinh giản gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, làm đâu được đấy, tạo niềm tin cho nhân dân. Cán bộ, đảng viên, dù ở cấp nào, nếu mắc khuyết điểm sẽ bị xử lý, nghiêm trị”, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu.

Còn đối với ông Nguyễn Túc, không chỉ thể hiện sự vui mừng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã siết chặt đội ngũ theo tinh thần Đảng phải trong sạch, vững mạnh, Đảng phải là “đạo đức, văn minh”, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông còn có niềm vui lớn lao khi dân chủ được phát huy, mở rộng. Ông phân tích, nếu trước đây đã có nghị định về quy chế dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì tới Đại hội XII, dân chủ đã được triển khai ở bước cao hơn với việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Nhờ vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến những vấn đề quốc kế dân sinh ngày càng mang hơi thở của cuộc sống khi đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân.

Khi đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin ngày càng được củng cố, giai đoạn trước mắt dù đan xen nhiều thời cơ, thuận lợi với không ít khó khăn, thách thức, nhưng mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều vững tin vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ sẽ được thông qua trong các văn kiện quan trọng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Động lực mới, sức vóc mới

“35 năm đổi mới vừa qua là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, là sáng tạo có tính tất yếu, toàn diện để gạt bỏ, tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng năng lực sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. 35 năm qua, công cuộc đổi mới đã thật sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người Việt Nam, và được bạn bè quốc tế hết sức quan tâm”, GS.TS Vũ Văn Hiền đúc kết.

Và Đại hội XIII của Đảng sắp diễn ra sẽ đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong giai đoạn này, công cuộc đổi mới ở nước ta đã hoàn toàn được dự liệu diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, thậm chí trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có, đặc biệt là do những tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống đang tiềm ẩn.

Trong niềm tin tưởng vào một kỳ Đại hội của khát vọng sáng tạo và phát triển, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tin tưởng chính khát vọng, tiềm năng để phát triển, sáng tạo sẽ trở thành động lực, sức vóc mới trong giai đoạn tiếp theo.

“Chúng ta có thế mới, lực mới, gia tốc mới để bước vào Đại hội XIII đầy khí phách. Chúng ta đã biết hướng đi của mình, biết cách tháo gỡ khó khăn, phát huy nhân tố thuận lợi, biết nhân những nhân tố của dân tộc, của thời đại, của đất nước để phát triển. Cho nên, chúng ta tin là sau công tác chuẩn bị cho Đại hội hết sức chu đáo về các mặt, dưới ánh sáng của Đại hội, đất nước của chúng ta trên cơ sở đã có tiềm năng, sức mạnh, nội lực, vươn lên tầm cao mới để đất nước tiến lên”, GS.TS Vũ Văn Hiền nhấn mạnh.

***

Bên hồ Kim Liên, nắng đã ngả về trưa. Cuối cuộc trò chuyện về cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, ông Nguyễn Túc trở về cảm xúc ngập tràn kỳ vọng và tin tưởng vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Sau thành công của Đại hội, chính là thành công trong cuộc sống” - ông Túc chiêm nghiệm trong câu tiễn khách...

Một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030

* Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm
* GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt đến năm 2030 khoảng 7.500 USD/người
* Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,7
tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt tối thiểu 68 tuổi
* Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%
* Lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 20% trong tổng lao động nền kinh tế
* Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%
* Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%
* 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường