(HNM) - 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về phát triển con người. Ảnh: Thái Hiền |
Tăng trung lưu, giảm nghèo
Trong giai đoạn 30 năm kể từ khi thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình tương đối cao, Báo cáo Phát triển con người Việt Nam khẳng định. Cụ thể, theo số liệu Các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong giai đoạn này của Việt Nam là 6,51%, cao hơn đáng kể so với các nước kém phát triển (4,49%), các nước có thu nhập thấp (3,76%), các nước có thu nhập trung bình thấp (4,75%) và của thế giới (2,83%) trong cùng giai đoạn này. Từ một nước chậm phát triển, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực tạo nên các trụ cột của tăng trưởng bao trùm, một phương thức quan trọng nhất để đạt được những tiến bộ về phát triển con người ở những nước có trình độ phát triển thấp.
Với tỷ trọng làm nông nghiệp giảm mạnh chỉ còn 44,3% năm 2015 so với gần 80% vào đầu những năm đổi mới và sự gia tăng tỷ trọng các nhóm ngành có năng suất và thu nhập cao hơn ngay trong ngành nông nghiệp, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối so với các nước trong khu vực dù khoảng cách tuyệt đối vẫn còn lớn. Những kết quả kinh tế đã giúp tạo ra sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu xã hội với sự giảm mạnh tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo, cận nghèo và sự phát triển của nhóm trung lưu. Cụ thể, tỷ trọng dân số của nhóm nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc tế (nghèo: dưới 2 USD/ngày; cận nghèo: 2-4 USD; trung lưu lớp dưới: 4-10 USD; trung lưu lớp trên: 10-13 USD, thu nhập cao: trên 13 USD tính theo sức mua tương đương năm 2005) tương ứng đã giảm từ 26,7% và 38,8% năm 2004 xuống còn 12,4% và 26,1% năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm trung lưu lớp dưới đã tăng nhanh chóng, từ 28,4% lên 47,8% và trở thành nhóm dân cư lớn nhất. Nhóm trung cư lớp trên và nhóm thu nhập cao cũng tăng đáng kể, từ 2,7% và 3,4% lên 6,7% và 7%.
An sinh xã hội ấn tượng
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Ngân sách nhà nước dành cho các chương trình quốc gia nhằm thực hiện an sinh xã hội tăng. Nhờ đó, những thành tựu về an sinh xã hội có được sau 3 thập kỷ đổi mới rất ấn tượng. Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm đã nêu một vài con số minh chứng cho thành tựu này: Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 11,4 triệu thành viên và cung cấp lương hưu cho hơn 2,2 triệu người về hưu; gần 1,6 triệu người già từ 80 tuổi trở lên đang được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế, gần 800 nghìn người khuyết tật không có khả năng lao động được nhận trợ cấp hằng tháng; hàng trăm nghìn người dễ bị tổn thương khác như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người sống chung với HIV... được trợ cấp bằng tiền và hỗ trợ chăm sóc xã hội. Các hộ nghèo và dân tộc thiểu số cùng con em của họ được trợ cấp hằng tháng, được miễn học phí, hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề.
Lĩnh vực giáo dục, y tế - những dịch vụ xã hội quan trọng - nhìn chung cũng đạt được những kết quả tốt hơn hầu hết các nước có mức độ GDP trên đầu người tương tự, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Tuổi thọ đã tăng từ 67,6 năm 1980 lên 75,9 năm 2013. Các kết quả về thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế nhìn chung là tích cực, nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em hay kiểm soát bệnh lao và sốt rét. Trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại Việt Nam có chiều hướng giảm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tử vong đã giảm từ 233/100.000 ca vào năm 1990 xuống còn 61,9/100.000 ca vào năm 2013 (giảm hơn ba lần) và tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong giảm từ 59/1.000 trẻ xuống còn 23/1.000 trẻ (giảm hơn hai lần). Tỷ lệ tử vong từ 44,4/1.000 trẻ xuống còn 15,3/1.000 trẻ. Ngoài ra, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cũng giảm từ 41% xuống còn 15,3%. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nhập học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt mức cao; giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Có được những kết quả trên là nhờ chủ trương, chính sách đầu tư đúng đắn, trong đó tỷ lệ chi cho giáo dục 7,8% GDP và cho y tế là 6,6%, mức cao hơn so với các nước cho thu nhập trung bình và so với các nước trong khu vực.
Sau 3 thập niên thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Những nền tảng quan trọng về kinh tế, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đạt được cho đến hôm nay đã tạo tiền đề quan trọng để nâng tăng trưởng bao trùm, phương thức quan trọng nhất để đạt được những tiến bộ về phát triển con người, lên một cấp độ mới, để mọi người dân Việt Nam đều có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của mình và được hưởng cuộc sống thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.