(HNMO) - Đó là thông tin được nêu tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 3-6 tại Hà Nội.
Trước những lo lắng về việc 22 tỷ vốn vay ODA chậm giải ngân, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính khẳng định, khoản 22 tỷ USD không phải là vốn thực tế các nhà tài trợ ký với Chính phủ Việt Nam mà chỉ là cam kết. Theo ông, luôn có sự chênh lệch đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và khoản giải ngân thực tế. Trung bình một vài năm trở lại, mỗi năm Việt Nam giải ngân được khoảng 5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Việc thiếu vốn đối ứng cũng chỉ là một nguyên nhân khiến 22 tỷ USD khó giải ngân. Bởi vốn đối ứng chỉ là vấn đề với những dự án đã và đang triển khai, còn thực tế khoản 22 tỷ USD đang nhắc tới chỉ là vốn cam kết.
Trước đó, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5-2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.
Về con số 22 tỷ USD vốn cam kết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.