Theo dõi Báo Hànộimới trên

2013: ghi nhận việc thuê lại lao động là hình thức lao động mới

Hà Phong| 24/09/2012 16:43

(HNMO) - Ngày 24-9, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao Động (sửa đổi) và Luật Công Đoàn (sửa đổi): Cơ hội và Thách thức”.


Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, trước phản ánh của người dân và các tổ chức xã hội, Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) và Luật Công đoàn sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2013) đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế thị trường lao động và quan hệ lao động hiện nay. Đây là một bước tiến mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, là công cụ quan trọng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động. Một trong những thay đổi chính ở hai văn bản pháp luật quan trọng này là Chính phủ phải đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn với tư cách là tổ chức đại diện thật sự cho người lao động. Nhờ vậy, số cuộc đình công tự phát tại Việt Nam sẽ giảm dần.

Các thay đổi quan trọng khác đối với quan hệ lao động bao gồm việc thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia - một cơ cấu quan trọng xác định mức lương tối thiểu, ghi nhận việc thuê lại lao động như một hình thức lao động mới, và bảo vệ lao động bán thời gian và lao động gia đình. Bộ luật Lao động sửa đổi đồng thời mở ra khả năng chính thức ghi nhận các mối quan hệ lao động thực tế giữa chủ lao động và người lao động bất kể hai bên có ký hợp đồng lao động hay không, giảm thiểu các hình thức cưỡng bức lao động, lao động trẻ em và đưa việc bảo vệ lao động chưa thành niên gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Trước những đổi mới này, Giám đốc điều hành bộ phận Đối thoại Xã hội của ILO tại Geneva khẳng định: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi sẽ đem lại cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội những công cụ cần thiết để giải quyết những trở ngại quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước sang nền kinh tế thị trường vào năm 2016. Tuy nhiên, hiệu quả của Bộ luật lao động cũng còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động của các cơ quan Chính phủ và trách nhiệm thực thi pháp luật của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là người lao động, người sử dụng lao động”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
2013: ghi nhận việc thuê lại lao động là hình thức lao động mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.