Cách đây 10 năm, Liên Hợp Quốc đã lấy ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, năm 2011, chúng ta mới thử nghiệm ở phạm vi nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, năm 2012 làm đồng loạt trên cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” vào ngày 18/11/2012.
Hoạt động này nhằm cảnh báo hậu quả và các nguy cơ gây tai nạn giao thông, kêu gọi toàn dân tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề này, trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết, cách đây 10 năm, Liên Hợp Quốc đã lấy ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, năm 2011, chúng ta mới thử nghiệm ở phạm vi nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, năm 2012 làm đồng loạt trên cả nước.
Ông Hiệp cho biết thêm, dự kiến cũng trong ngày 18/11, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ ra mắt Quỹ Hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông với mong muốn có một hình thức hỗ trợ những người không may mắn, những gia đình gặp khó khăn do tai nạn giao thông.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước xảy ra 17.886 vụ, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 4.931 vụ, giảm 992 người chết, giảm 5.513 người bị thương.
Cụ thể, có 44/63 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương); có 3 tỉnh số lượng người chết vì TNGT giảm từ 40 -50%; 11 tỉnh giảm số lượng người chết từ 30-40%; 15 tỉnh giảm từ 20-30%; 12 tỉnh giảm từ 10-20%...
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012 cũng còn xảy ra những vụ tai nạn đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn xe chở khách, gây bức xúc trong xã hội; tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, nhất là tại các điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh và đường sắt. Một số vi phạm trật tự an toàn giao thông còn phổ biến như: vi phạm quy định tốc độ, lấn đường; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.