(HNM) - Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào thi đua...
Phố sách của quận Hoàn Kiếm là một trong những mô hình thi đua tiêu biểu của TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Tạo động lực phát triển
Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng do Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Phùng Minh Sơn trình bày cho thấy, Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa luật. Nổi bật là việc ban hành, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của thành phố như: Danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”, “Công dân Thủ đô ưu tú”. Hà Nội đã thực hiện khen thưởng thành tích đột xuất; tổ chức cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt… Thông qua cách làm mới và sáng tạo này, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng đã thiết thực, hiệu quả hơn. 90% người được khen thưởng là lao động trực tiếp (cấp trưởng phòng, sở, ban, ngành và tương đương trở xuống).
Nét mới nữa là thành phố đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua đặc thù theo ngành, theo lĩnh vực. Tiêu biểu như phong trào “Năm trật tự và văn minh đô thị" của năm 2015 và 2016, “An toàn thực phẩm”, “Năm kỷ cương hành chính 2017”… Thông qua đó đã xuất hiện gần 5.000 mô hình thi đua. Có thể kể đến các mô hình: Tổ công tác kiểm soát nhanh chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn quận Nam Từ Liêm; mở rộng tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố sách của quận Hoàn Kiếm; trường học điện tử của quận Long Biên... Sự đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những khâu yếu, việc khó của các cấp, các ngành, thúc đẩy mọi lĩnh vực của thành phố phát triển.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận phong trào thi đua của TP Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đồng chí cho rằng, TP Hà Nội cần tiếp tục chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thực chất, gắn với thực tiễn đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thi đua, khen thưởng phải thực chất
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn |
Từ thực tiễn, các ý kiến tham luận tại hội nghị khẳng định, Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng là cơ sở pháp lý rất quan trọng đối với phong trào thi đua yêu nước cũng như công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, các ý kiến cũng phản ánh những bất cập cần sớm khắc phục. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam, Luật Thi đua - Khen thưởng ban hành được 13 năm, song đã 2 lần sửa đổi, bổ sung, chưa kể có đến 7 nghị định hướng dẫn, khiến công tác tuyên truyền, phổ biến gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết: "Luật quy định quỹ thi đua - khen thưởng được lập từ nguồn ngân sách nhà nước và trích lập (chính quyền các cấp trích 1% chi thường xuyên) dẫn đến việc nhiều đơn vị không đủ kinh phí để thực hiện khen thưởng, nhất là cấp phường". Quy định đối với khen thưởng cấp nhà nước phải đạt thành tích liên tục trong nhiều năm, khó khuyến khích sự phấn đấu của người lao động. Chưa kể, việc quy định quá nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng dẫn tới có những danh hiệu mang tính hình thức.
Tính từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố có gần 16.000 trường hợp được khen thưởng thành tích thường xuyên; hơn 24.000 trường hợp được khen thưởng thành tích theo chuyên đề; gần 2.000 trường hợp được khen thưởng đột xuất cấp thành phố. Thành phố đã xét, công nhận 738 sáng kiến cấp thành phố và hơn 60.000 sáng kiến, giải pháp cấp cơ sở. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng chưa được ban hành kịp thời, hệ thống văn bản còn cồng kềnh, phức tạp gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cần tìm hiểu, áp dụng. Luật có đối tượng điều chỉnh rộng, nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước nên khi thực hiện còn lúng túng, vướng mắc. Thủ tục hành chính, thẩm quyền khen thưởng quy định trong Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn còn phức tạp, nhiều điểm chưa rõ ràng, chồng chéo.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, trên cơ sở thảo luận, phân tích của các đại biểu về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng, ngay sau hội nghị, TP Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp thực tiễn, tạo động lực thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước và Thủ đô giàu mạnh.
Khen thưởng đột xuất 3 cá nhân Hiền Thu |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.