(HNM) - Ngày 6-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020. Trong Nghị quyết có phần đánh giá:
Rõ ràng là trong tình hình mới, nhằm mục tiêu phát triển chung, Hà Nội không thể không thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu xây dựng con người ở một tầm mức khác, thiết thực và hiệu quả hơn. Lại cần tận dụng lợi thế từ truyền thống để vượt qua thách thức thời cuộc.
Lợi thế từ... truyền thống
Cả nghìn năm thu hút nhân tài bách nghệ, bồi đắp phẩm cách, chốn Kinh kỳ - Kẻ Chợ, mảnh đất hội tụ tinh hoa, người người văn minh, thanh lịch, nức tiếng thơm đâu có thể bỏ qua nét đẹp truyền đời.
Tiếp tục xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, một trong những nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn tới. Ảnh: Bá Hoạt
Nói về nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội, dễ thấy một bước chuyển nhất định trong hơn một thập kỷ qua. Ngày Hà Nội và cả nước bước vào chu trình 10 năm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã phát động một đợt thi đua dài ngày, trong đó có mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Giai đoạn ấy, có nhiều giải pháp cho mục tiêu xây dựng con người, từ phát động thi đua làm việc tốt, thúc đẩy phong trào xây dựng văn hóa cơ sở đến vận động, tuyên truyền, thi tìm hiểu thế nào là thanh lịch, là văn minh... Cấp thành phố, cấp quận, huyện và tổ chức xã hội đều vào cuộc, mọi tầng lớp trong xã hội từ người già tới con trẻ, từ công nhân lao động đến doanh nhân, nhân sĩ, trí thức... đều nhiệt tình tham gia, hưởng ứng.
Cuộc vận động lớn xuyên suốt thời gian dài, cho kết quả nhất định, đặc biệt là về nhận thức. Tại hội thảo quốc gia "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", được tổ chức vào năm 1995, nhân kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, lần đầu tiên trí tuệ nhân sĩ, trí thức, nhà quản lý toàn quốc được tập hợp lại cho một chuyên đề nghiên cứu về phẩm chất người Hà Nội xưa và nay. Cũng là lần đầu tiên người Hà Nội biết rõ mình cần noi theo truyền thống thế nào, thông qua một kết quả nghiên cứu tổng hợp, trong đó xác định rõ 8 nét tính cách đẹp và 7 nhược điểm của người Hà Nội thường được nhắc tới.
Truyền thống đẹp khiến ta lay động, nhớ cái thời người Hà Nội luôn nhận được sự nể vì. Nhớ Vũ Ngọc Phan kể chuyện cô gái quê trang trọng sắm sửa mỗi lần đem bán rau, đậu cho người Hà Nội: "Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền/Mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ". Nhớ lời Hoàng Đạo Thúy "người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị, ghét lòe loẹt, tránh tiếng xa hoa". Lại nhớ "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, "Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam, "Chuyện cũ Hà Nội" của Tô Hoài - một Vũ trung tùy bút thời hiện đại với đủ những nét cao sang không dễ gì học hỏi trọn vẹn. Giữa những hay đẹp có cả sự đểu giả, ti tiện, hẹp hòi; sự kệch cỡm bên vẻ lịch lãm. Từ ngàn vạn chuyện hay - dở, người ta có thể tìm mẫu số chung cho nét thanh lịch Hà Nội, cả thời chiến và thời bình, nơi công sở hay ở phố chợ, trung tâm hay ngoại ô. Biết rõ những gì hay, đẹp để mà học, nhận ra nhược điểm để mà sửa mình, chẳng hơn là lơ mơ, chung chung hay sao…
Thách thức ở phía trước
Thực tế cho thấy, thách thức không nhỏ ngay phía trước mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội đang diễn ra quá trình giao lưu mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại. Quá trình ấy tất yếu có va đập, sự tích hợp nét đẹp hay bổ sung thói xấu đều có thể xảy ra. Sự năng động, dân chủ, thói quen tuân thủ luật pháp có thể rõ hơn, nhưng bên cạnh đó là khả năng mai một gia phong, xu hướng lai căng, vọng ngoại. Những điều ấy sẽ tác động đến việc hình thành lối sống, nếp sống người Hà Nội.
Dòng chuyển cư ngày một nhộn nhịp, một trong số đích đến quan trọng nhất là Hà Nội, đã khiến Thủ đô gánh chịu hệ lụy từ sự quá tải, không loại trừ nếp sống, lối sống. Những câu chuyện "mặt trái" xuất hiện nhiều hơn, những tiêu chí đánh giá phẩm cách bắt đầu loang lổ dấu vết đồng tiền, đằng sau nó là xu thế tiêu dùng, lề lối ứng xử mới ở một bộ phận dân cư, xa lạ và nguy hiểm với sự phát triển của một thủ đô văn hiến. Sức ép từ hạ tầng còn khiếm khuyết đã phần nào đẩy nhanh lối thích nghi bằng cách vượt lên bằng mọi giá mà đằng sau nó không có gì khác là sự vô cảm. Lối ứng xử khoan hòa, nhã nhặn mất đi phần nào. Sức mạnh nội tại vẫn còn đó, dựa trên truyền thống được thể hiện và gìn giữ bởi lớp người trung - cao tuổi hơn là thanh niên, nhưng sự thực dụng có nguy cơ lấy đi ngày càng nhiều nét đẹp của người Hà Nội.
Nguy cơ lớn nhất có lẽ liên quan đến công tác giáo dục, lĩnh vực đang gặp nhiều vấn đề - về chi tiết chứ không phải đường hướng vĩ mô vốn luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho nó. Nạn bằng giả, chạy trường, sự nhồi nhét ở bậc học thấp, gánh nặng học hành đè lên giới trẻ có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, khiến cho ý thức về sự thanh lịch, công bằng trở nên xa vời. Những hiện tượng không đáng có trong môi trường sư phạm có thể tạo ra một lớp người "lành lặn", thanh lịch trong tương lai hay không?
Thách thức đối với mục tiêu xây dựng con người Hà Nội còn đến từ nhiều lĩnh vực khác, ngoài kinh tế, giáo dục, như giải trí, y tế, thể thao, giao thông. Những "lộ hàng", "bán độ", "kẹp ba", "vấn nạn phong bì"... nhất định là hình ảnh xấu, đi ngược lại chuẩn mực thanh lịch, văn minh.
Cần một nền tảng vững vàng
Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cho thấy quyết tâm và đường hướng cơ bản để xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh, trong đó, giải pháp lớn có liên quan đến văn hóa và mục tiêu xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong giai đoạn từ nay đến 2020 là: "Huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ thực sự trở thành những trung tâm lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và cho sự phát triển chung của vùng và cả nước. Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiếp tục phát triển hệ thống thông tin đại chúng, sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội đi đôi với xây dựng mới các công trình văn hóa tiêu biểu". Đó có thể là một giải pháp cơ bản mang tính tổng hợp, liên ngành, dựa trên sự đồng thuận của xã hội mà ở đó, mỗi thành tố như văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học… đều có tác dụng thúc đẩy việc hình thành nền tảng đạo đức xã hội bằng việc hoàn thành trọng trách được giao.
Những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, được thực hiện thường xuyên sẽ hiệu quả hơn là thường xuyên mở kỳ cuộc vận động nhưng không duy trì tính liên tục. Giải pháp đồng bộ, có lẽ không có gì khác ngoài việc tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy vai trò giáo dục tổng hợp của xã hội - nhà trường và gia đình, làm tốt công tác cán bộ để góp phần hình thành đội ngũ lãnh đạo đủ sức làm gương sáng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ và về phẩm chất đạo đức, thanh lịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.