Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Đức Hải| 05/01/2015 18:51

(HNMO)- Chiều nay (5-1), tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)...

ọp báo.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở tờ trình số 390/TTr-CP ngày 12-10-2014 của Chính phủ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án bộ luật này. Ngày 25-12-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi họp báo. Ảnh: Hưng Thịnh


Ngày 2-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg về kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan và các chuyên gia kịp thời nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự để công bố lấy ý kiến nhân dân.

Mục tiêu nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự (BLDS) trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia (sau đây gọi là các quan hệ dân sự); ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xây dựng trên cơ ở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau: Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, khắc phục các bất cập, hạn chế trong quy định của BLDS hiện hành để BLDS thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, xây dựng BLDS thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân dự; có tính khái quát, dự báo và khả thi để một mặt vừa bảo đảm tính ổn định của bộ luật, mặt khác đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.

Thứ ba, bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự, cũng như các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; có sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng BLDS của một số nước.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung BLDS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện. Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, dự thảo bộ luật có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, dự thảo bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Họp báo công bố kế hoạch về lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo BLDS (sửa đổi) diễn ra vào chiều nay tại Hà Nội. Ảnh: HưngThịnh


Những vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi), xin được tóm tắt như sau:

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (Điều 19 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện đang có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của bộ luật. Theo đó, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định trong BLDS trách nhiệm của tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Về quyền nhân thân (từ Điều 31 đến Điều 50 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện có hai loại ý kiến: Thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, BLDS cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị BLDS chỉ nên quy định một số quyền nhân thân nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự.

Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Vấn đề này hiện cũng có 2 loại ý kiến: Thứ nhât, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, BLDS có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 119 đến Điều 121). Loại ý kiến thứ hai, đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ chức hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như BLDS hiện hành.

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 145 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện cũng có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, giao dịch dân sự không vô hiệu khi việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị trong trường hợp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch mà các bên không tuân thủ thì giao dịch vô hiệu.

Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu (Điều 148 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi căn cứ vào việc đăng ký tài sản mà xác lập, thực hiện giao dịch, hoặc bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu chưa được đăng ký nhưng người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi nhận được bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Về hình thức sở hữu (Điều 213 và các điều từ Điều 224 đến Điều 247 dự thảo bộ luật). Vấn đề này cũng có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng, sở hữu chung. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định hai hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung (sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thoongss nhất quản lý). Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu chung.

Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác (Điều 182 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện cũng có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác; trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khấc có hiệu lực kể từ thời đăng ký. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định một nguyên tắc thống nhất. Theo đó, thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác đối với bất động sản được tính từ thời điểm tài sản được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và các bên đã hoàn tất thủ tục trước bạ sang tên.

Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi (Điều 443 dự thảo bộ luật). Vấn đề này cũng có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định trong dự thảo bộ luật. Theo đó, khi hoàn cảnh thay đổi, tòa án theo các điều kiện được luật định có quyền điều chỉnh hợp đồng để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên trong hợp đồng, sự ổn định của các quan hệ dân sự, thương mại liên quan. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị phải tôn trọng ý chí của các bên trong hợp đồng, không quy định tòa án được điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 491 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong BLDS, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu, đồng thời quy định nguên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.

Về thời hiệu (Điều 167 đến Điều 180 dự thảo bộ luật). Vấn đề này hiện cũng có 2 ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật. Theo đó, trường hợp hết thời hạn yêu cầu tòa án giải quyết vụ, việc dân sự theo luật định, cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì tòa án thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được quyền hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị tiếp tục quy định về thời hiệu khởi kiện. Theo đó, khi hết hạn theo luật định chủ thể mất quyền khởi kiện.

Tại họp báo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ngay sau hội nghị này phải khẩn trương triển khai quán triệt, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ một cách quyết liệt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai cần phải có phương pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí nhưng vẫn phải bảo đảm có hiệu quả cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Bộ Tư pháp-cơ quan chủ trì, ngoài việc chú trọng đến công tác tổng hợp lấy ý kiến mới đóng góp vào dự thảo bộ luật, còn cần phải nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, đặc biệc biệt cần công khai ý kiến tiếp thu, giải trình một cách minh bạch để nhân dân được biết. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể với mục tiêu để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của BLDS sửa đổi, từ đó phát huy được trí tuệ của nhân dân, mang lại hiệu quả cao nhất…

Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo BLDS (sửa đổi) được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quý I/2015. Thời gian lấy ý kiến của nhân dân bắt đầu từ ngày 5-1-2015 đến 5-4-2015…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.