(HNMO) – Trung Đông bất ổn; IS trở thành tổ chức khủng bố lớn mạnh nhất thế giới; sức mạnh địa chính trị của Mỹ giảm sút; Châu Âu đối mặt với hàng loạt các vấn đề kinh tế và chính trị...
là những rủi ro lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2016, theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Eurasia.
1. Liên minh xuyên Đại Tây Dương suy yếu
Mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là một liên minh lớn mạnh và bền vững nhất, chi phối trật tự kinh tế toàn cầu, cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, liên minh này đã suy yếu, không còn gắn kết như trước. Và đến năm 2016, liên minh xuyên Đại Tây Dương được dự báo sẽ trở thành một liên minh không thực chất.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
2. Châu Âu đóng cửa biên giới
Sự chia rẽ của châu Âu không phải là điều gì mới. Những thách thức mà châu Âu phải đối mặt đã được nói tới nhiều trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên trong năm 2016, sự chia rẽ giữa các quốc gia về vấn đề đóng cửa hay mở cửa biên giới châu Âu sẽ lên tới đỉnh điểm khi đối mặt với hàng loạt vấn đề gai góc như khủng hoảng tị nạn, chủ nghĩa khủng bố và bất bình đẳng xã hội.
2016 có thể là năm đánh dấu sự lên ngôi của các Đảng cánh hữu châu Âu. |
Bên cạnh đó, vị thế chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đi tiên phong với quan điểm mở cửa châu Âu, sẽ giảm sút trong năm nay, do quyết định mở cửa đón người nhập cư của bà không được lòng người dân Đức và nhiều quốc gia khác.
3. Sự bành trướng của Trung Quốc
Ai cũng biết, Trung Quốc có một nền kinh tế khổng lồ. Trong năm nay, Bắc Kinh sẽ bắt đầu tăng cường những lợi ích của mình thông qua các siêu dự án như “Con đường Tơ Lụa” mới và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Và rủi ro đó là: Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đều thừa nhận Trung Quốc vừa là một đối tác quan trọng nhất, vừa thiếu chắc chắn nhất. Nhiều quốc gia chưa sẵn sàng với sự thay đổi này, chưa hiểu những ưu tiên của Trung Quốc và chưa biết sẽ đối phó với những vấn đề mới này ra sao.
4. IS và đồng bọn
IS hiện nay là tổ chức khủng bố lớn mạnh nhất thế giới. Những phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với sự trỗi dậy của IS là chưa đủ, chưa đúng hướng và chồng chéo nhiều mâu thuẫn, mục đích khác nhau. Trong năm 2016, vấn đề này sẽ chưa được giải quyết, và IS, cũng như nhiều tổ chức khủng bố khác như Al Qaeda, Boko Haram,... sẽ lợi dụng điều này. Các quốc gia gặp rủi ro lớn nhất về tấn công khủng bố bao gồm Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác.
5. Ả Rập Xê-út
Ả Rập Xê-út đã bắt đầu một năm mới không yên ả, khi cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Iran hôm 3/1.
Eurasia dự báo, 2016 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với Ả Rập Xê-út. Những bất ổn trong nội bộ Hoàng gia và nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập sẽ khiến quốc gia này có những động thái quyết liệt hơn, làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông.
Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman bin Abdul-Aziz Al Saud. |
6. Giới công nghệ với tham vọng chính trị
Một loạt nhân vật thuộc giới công nghệ đang bước vào lĩnh vực chính trị với sự quyết đoán chưa từng có. Những nhà công nghệ đầy tham vọng chính trị này tới từ nhiều khu vực, từ thung lũng Silicon, các tập đoàn và nhiều nhóm tin tặc, gây ra nhiều xung đột.
Tỷ phú công nghệ Bill Gates. |
7. Đội ngũ lãnh đạo khó đoán định
Một nhóm các nhà lãnh đạo nổi tiếng với cá tính của mình, như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hay lãnh đạo Ả Rập Xê- út Salman... sẽ khiến tình hình chính trị thế giới đặc biệt biến động trong năm nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Nga. |
Nhiều nhân vật lãnh đạo này cũng cùng tham gia vào những xung đột tại Syria, khiến tình hình tại đây càng phức tạp. Trong khi đó, những bất đồng tại Ukraine được dự báo sẽ lắng dịu trong năm 2016, nhưng những động thái tiếp theo của Tổng thống Poroshenko vẫn là một dấu hỏi lớn.
8. Brazil
Nền kinh tế Brazil đã phải vật lộn với cuộc suy thoái sâu và kéo dài nhiều năm. Tổng thống Dilma Rousseff đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng.
Tổng thống Brazil Tayyip Erdogan. |
Eurasia nhận định, kể cả khi Tổng thống tiếp tục nắm quyền thì chính phủ cũng khó có thể đẩy mạnh các cải cách kinh tế để giải quyết tình trạng thâm hụt tài khóa nghiêm trọng. Còn trong trường hợp bà Rousseff mất chức, chính phủ thay thế do Phó Tổng thống Temer dẫn đầu cũng khó có thể làm gì tốt hơn.
9. Quá ít bầu cử
Không nhiều thị trường mới nổi sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ không có nhiều động thái mới nhằm ổn định các thị trường này sau hàng loạt những biến động trong năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại, mức sống giảm sút sẽ gây ra bất ổn xã hội. Hàng loạt cuộc biểu tình sẽ nổ ra trên các đường phố Brazil, Nam Phi và nhiều thị trường mới nổi khác.
10. Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ tiếp tục nỗ lực thay thế hệ thống quốc hội nước này theo mô hình tập trung quyền lực vào tay Tổng thống.
Tuy nhiên, theo Eurasia, ông Erdogan khó có thể hiện thực hóa mục tiêu này trong năm nay, mà ngược lại, điều này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, các mối quan hệ ngoại giao và tình hình chính trị tại quốc gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.