Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 tấn thiết bị y tế từ Hà Nội lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Thu Trang| 01/08/2021 09:08

(HNMO) - 6h sáng nay (1-8), tại Ga Hà Nội, chuyến tàu đặc biệt mang theo hơn 10 tấn trang thiết bị y tế, gồm: Máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy lọc thận, truyền dịch... đã khởi hành đến thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, khoảng 21h ngày 2-8, toàn bộ số trang thiết bị y tế này sẽ tới Bệnh viện dã chiến số 16 tại quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh) để kịp phục vụ bệnh nhân.

Hơn 10 tấn trang thiết bị y tế được vận chuyển từ Hà Nội vào sáng nay sẽ tới Bệnh viện dã chiến số 16 tại quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh) để hỗ trợ chống dịch.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều thiết bị y tế hiện đại được vận chuyển vào lần này, trong đó có 20 máy thở, máy thở chức năng cao, 15 máy thở oxy dòng cao, 45 monitor, 80 máy tiêm điện, 80 máy truyền dịch, 1 máy lọc liên tục, 1 máy siêu âm màu, 1 máy sốc tim, 1 máy ép tim lồng ngực, 1 máy sinh hóa tự động, phân tích máu tự động... Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chuẩn bị thêm nhiều phần quà là đồ bảo hộ y tế, đồ ăn, thức uống để gửi vào thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn, địa phương này cùng người dân vượt qua được tình hình dịch hiện nay.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ chiều qua (31-7), các trang thiết bị, vật tư y tế đã được đóng gói cẩn thận để đưa lên tàu và niêm phong. Toàn bộ số thiết bị trên của trung tâm hồi sức lớn nhất miền Bắc, được thiết lập trong cao điểm dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang do Tập đoàn Sungroup tài trợ. Số thiết bị này đủ sử dụng cho 100 giường hồi sức.

Ngoài trang thiết bị hiện đại, trong những ngày tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế vào để điều trị, chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện dã chiến 16 thành phố Hồ Chí Minh, cùng đồng bào miền Nam vượt qua làn sóng dịch Covid-19.

Được biết, Bệnh viện Bạch Mai được giao đảm trách chính bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với quy mô gần 3.000 giường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 29-7, một đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai gồm hơn 20 người đã lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh khảo sát để lập Bệnh viện Hồi sức Bạch Mai - thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường hồi sức tích cực. Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đều là những người từng tham gia chống dịch tại các "điểm nóng" như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, sau khi đoàn khảo sát thống nhất được phương án và địa điểm xây dựng Bệnh viện Hồi sức Bạch Mai - thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện sẽ chi viện tiếp khoảng 200 cán bộ cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) cùng các vật tư y tế để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế cũng đã huy động tổng lực các bệnh viện trung ương cử cán bộ vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam: Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng sẽ chủ trì một bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh với 500 giường hồi sức, sẵn sàng điều 30% y, bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm từ bệnh viện này vào miền Nam góp sức chống dịch.

Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách 1 trung tâm hồi sức 500 giường tại thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 500 giường hồi sức tại tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên 500 giường tại tỉnh Long An; Bệnh viện Phổi trung ương và Bệnh viện E 500 giường tại tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Lão khoa trung ương tại tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện Đại học Y Thái Bình hỗ trợ tỉnh Tiền Giang; Bệnh viện 103 hỗ trợ tỉnh Cần Thơ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo khảo sát năm 2021, cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Tuy nhiên, cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.

"Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu... Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới trung ương, Hữu nghị Việt - Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, Đa khoa Trung ương Cần Thơ... 

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 tấn thiết bị y tế từ Hà Nội lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.