Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện thể thao Việt Nam tiêu biểu năm 2012

Hànộimới điện tử| 01/01/2013 10:16

(HNMO) – Năm 2012 là năm buồn vui lẫn lộn của thể thao Việt Nam. Hànộimới điện tử bình chọn 10 sự kiện thể thao Việt Nam tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của công chúng.


1.
Đoàn thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic 2012:

Lực sỹ Quốc Toàn thi đấu không thành công ở nội dung 56 kg của nam

Dù được đầu tư khá lớn song cuối cùng đoàn thể thao Việt Nam lại trắng tay tại Olympic 2012 sau khi giành 1 HCB ở Olympic 2008. Sự kiện này buộc ngành thể thao phải nhìn nhận lại cách đầu tư cho các tài năng trọng điểm của mình.

2.Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019

Dù còn nhiều tranh cãi về nguồn kinh phí đầu tư nhưng rõ ràng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao Việt Nam giành quyền đăng cai một sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Trước mắt, thể thao Việt Nam sẽ được lợi về cả cơ sở vật chất lẫn đầu tư cho VĐV khi Việt Nam được đăng cai ASIAD 2019.

3. Phan Thị Hà Thanh giành hàng loạt HCV quốc tế trong năm 2012

Đây là năm thi đấu sáng chói nhất từ trước đến nay của VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh. Cô giành HCV châu Á, HCV Cúp thế giới tại Séc và HCV tại Toyota Cup (Nhật Bản) – thành tích đặc biệt xuất sắc mà chưa VĐV thể dục dụng cụ Việt Nam nào làm được. Thành tích này có thể làm thay đổi cách nhìn trong việc đầu tư cho môn thể thao Olympic này tại Việt Nam.

Phan Thị Hà Thanh cũng đã đoạt danh hiệu VĐV tiêu biểu trong năm 2012.

4. Đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự AFF Cup, đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng mà không giành nổi một trận thắng. Thất bại tại giải khiến HLV Phan Thanh Hùng phải từ chức, tạo ra hiệu ứng xấu trong làng bóng đá nước nhà.

5. Hàng loạt CLB bóng đá tại Việt Nam phải giải thể

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế với việc nhiều công ty phải giải thể thì ở giải bóng đá chuyên nghiệp và giải hạng nhất, hàng loạt CLB cũng không thể tham dự hoặc phải giải thể vì không đủ kinh phí duy trì đội. Việc này khiến cả trăm cầu thủ lâm vào cảnh thất nghiệp nhưng ngược lại kéo giá trị cầu thủ về với giá trị thật.

6.Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời

Lần đầu tiên trong làng bóng đá cũng như thể thao Việt Nam xuất hiện một công ty chuyên tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp và giải hạng nhất. VPF đã mang đến nhiều thay đổi trong khâu điều hành, nâng cao chế độ bồi dưỡng cho trọng tài… song vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng kỳ vọng.

7. Cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá kết thúc bất ngờ

Đáng kể nhất là việc AVG chấp nhận nhượng bản quyền bóng đá Việt Nam (trước đó đã ký với LĐBĐ Việt Nam có thời hạn 20 năm) cho VPF dù trước đó không có biểu hiện nhượng bộ. Cuộc chiến bản quyền truyền hình kéo dài đã khuếch trương đáng kể tên tuổi của cả AVG lẫn VPF.

8. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành HCV Giải vô địch Đông Nam Á


Đây có lẽ là điểm sáng nhất trong năm 2012 của bóng đá Việt Nam, khiến bầu không khí bóng đá nước nhà bớt u ám.

9. Kỳ thủ cờ vua Trần Anh Khôi giành HCV U10 cờ vua thế giới

Trần Anh Khôi trở thành kỳ thủ đầu tiên giành cả 11 ván thắng tại Giải vô địch cờ vua thế giới lứa tuổi U10. Đây cũng là chức vô địch thế giới U10 thứ hai của cờ vua Việt Nam, khép lại 4 năm “trắng” huy chương tại Giải vô địch các nhóm tuổi trẻ thế giới. 

10. Liên đoàn bóng bàn Việt Nam bị “ném đá” về mặt nhân sự 

Năm 2012, một số Liên đoàn thể thao cũng như Ủy ban Olympic đã tổ chức Đại hội khá êm thấm, không gây xôn xao dư luận. Thế nhưng Đại hội Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ V diễn ra vào gần cuối tháng 12-2012 lại là Đại hội bị dư luận, giới chuyên môn chỉ trích thậm tệ về lựa chọn nhân sự cho chức danh Tổng thư ký cũng như cách bầu Ban chấp hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện thể thao Việt Nam tiêu biểu năm 2012

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.