(HNM) - Năm 2021 đã khép lại với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một năm qua, thế giới có rất nhiều biến động từ đời sống chính trị đến kinh tế và xã hội. Trân trọng kính mời bạn đọc cùng Báo Hànộimới điểm lại 10 sự kiện nổi bật của thế giới trong năm vừa qua.
1. Hàng loạt quốc gia chuyển hướng “chung sống an toàn với Covid-19”
Sau gần 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu. Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khiến nền kinh tế bị suy kiệt, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng mô hình “chung sống an toàn với Covid-19”. Bằng các biện pháp như đẩy mạnh tiêm chủng, củng cố hệ thống y tế cơ sở, linh hoạt áp dụng các biện pháp ứng phó theo mức độ lây nhiễm…, các nước đã từng bước lấy lại đà phát triển kinh tế, khôi phục cuộc sống thường nhật cho người dân.
2. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức
Sau khi chiến thắng bầu cử vào cuối năm 2020, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2021. Kể từ đó tới nay, người đứng đầu Nhà Trắng đã thúc đẩy hàng loạt chương trình nghị sự nhằm hiện thực hóa các cam kết đưa ra trong quá trình tranh cử, bao gồm ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế xứ Cờ hoa, thúc đẩy lợi ích quốc gia, củng cố quan hệ đồng minh và đóng góp nhiều hơn trong các vấn đề toàn cầu. Một trong những dấu ấn của chính quyền mới là tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD - lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
3. Siêu tàu Ever Given làm tắc nghẽn “con đường tơ lụa” trên biển
Tháng 3, chiếc tàu container siêu trọng Ever Given đã mắc kẹt tại phía Nam kênh đào Suez, gây ra “vụ tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử thế giới”. Sự cố làm đình trệ nghiêm trọng giao thương biển toàn cầu, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Trong thời gian mắc kẹt, hơn 450 tàu đã phải xếp hàng dài chờ đợi trên biển, không ít tàu bắt buộc phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi). Vụ việc này được xem là cảnh báo về sự cần thiết của việc đa dạng hóa các tuyến đường vận tải hàng hải quốc tế trong những năm tới.
4. Thế vận hội Olympic Tokyo diễn ra thành công tốt đẹp
Sau thời gian dài trì hoãn vì dịch Covid-19, sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh đã diễn ra thành công với Lễ bế mạc đầy ấn tượng tại Sân vận động quốc gia Nhật Bản (Tokyo) tối 8-8. Được mệnh danh là “Thế vận hội mùa Hè thăng trầm nhất trong lịch sử Olympic”, sự kiện lần này vẫn chứng kiến gần 11.000 vận động viên của 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài ở 33 bộ môn, với nhiều kỷ lục mới của thế giới đã được lập. Tuy không có khán giả, nhưng các đoàn thể thao được nước chủ nhà dành cho tất cả những tình cảm ấm áp, lượng khán giả xem các trận thi đấu qua truyền hình tăng vọt so với các Thế vận hội trước.
5. Taliban trở lại nắm quyền lực ở Afghanistan
Tháng 8-2021, khi lực lượng quân đội Mỹ ráo riết hoàn tất lộ trình rút quân, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Taliban đã đánh bại quân đội của chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, chính thức giành quyền kiểm soát Afghanistan từ ngày 15-8-2021. Tuy việc quay trở lại kiểm soát đất nước sau gần 20 năm của Taliban gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên trường quốc tế, nhưng chấm dứt chiến tranh là điều được cả thế giới hoan nghênh. Theo ước tính của Đại học Brown (Mỹ), tính đến tháng 8-2021, cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến Mỹ chi tiêu khoảng 2.260 tỷ USD, ngoài ra có hơn 6.000 người Mỹ và hơn 100.000 người Afghanistan đã thiệt mạng.
6. Hội nghị COP26 đạt nhiều thành tựu về cắt giảm khí thải
Tháng 11, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), với nhất trí tuyệt đối về duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Hiệp ước Glasgow cam kết “Tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Việc gần 200 phái đoàn quốc gia, từ các siêu cường sử dụng nhiên liệu than và khí đốt đến các nhà sản xuất dầu mỏ và các đảo ở Thái Bình Dương không hề phủ quyết mục tiêu này được xem là dấu chấm hết cho “kỷ nguyên than đá”.
7. Thủ tướng Đức Angela Merkel rời nhiệm sở sau 16 năm tại vị
Tháng 12, Thủ tướng Angela Merkel chính thức rời nhiệm sở với buổi đại quân lễ vinh danh. Xuất phát điểm là nhà khoa học tại Đông Đức, bà A.Merkel trở thành lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) vào năm 2000, để rồi đảm nhận trọng trách thủ tướng sau đó 5 năm. Thành công của Thủ tướng A.Merkel trong suốt 4 nhiệm kỳ là đã giúp Đức và châu Âu vững vàng vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, khủng hoảng nhập cư năm 2015… Bà được Tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới tới 14 lần.
8. Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Ngày 18-12, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, với lý do Mỹ đã “khởi xướng sự sụp đổ” của hiệp ước này. Giới quan sát đánh giá, sau khi Nga và Mỹ cùng rút khỏi, hiệu quả của hiệp ước được xem là trụ cột củng cố niềm tin giữa các cường quốc này sẽ giảm mạnh. Ước tính, phạm vi quan sát của hiệp ước trong năm 2022 sẽ thu hẹp khoảng 80% và số nhiệm vụ được lên kế hoạch cũng sẽ giảm đáng kể. Trước đó, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước từ tháng 5-2020 và hoàn tất vào ngày 22-11-2020.
9. Khủng hoảng năng lượng
Nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021 bị giáng một đòn mạnh khi giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm, giá dầu mỏ “phi mã” hơn 40% - chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Trong khi đó, giá than cũng leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, dẫn tới hiệu ứng dây chuyền là một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
10. Chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào khủng hoảng
Dịch Covid-19 lây lan nhanh đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đình trệ sản xuất, gián đoạn vận tải, mất cân bằng cung - cầu hàng hóa - nổi bật là thiếu hụt linh kiện bán dẫn. Thực trạng này khiến hàng loạt ngành công nghiệp rơi vào khủng hoảng. Theo báo cáo của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, đã có tới 169 ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn, trong đó sản xuất ô tô là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất, ước tính thiệt hại khoảng 210 tỷ USD, với khoảng 7,7 triệu xe đã không thể xuất xưởng. Khó khăn được dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất tới năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.