Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2020

Phương Quỳnh| 31/12/2020 06:54

(HNM) - Năm 2020 khép lại với những sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình thế giới, làm thay đổi các mối quan hệ song phương, đa phương và gây biến động mạnh đến đời sống, kinh tế, chính trị toàn cầu. Trân trọng kính mời bạn đọc cùng Báo Hànộimới điểm lại 10 sự kiện nổi bật của thế giới trong năm qua.

1. Đại dịch Covid-19 gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống

Xuất hiện vào cuối tháng 12-2019, vi rút SARS-CoV-2 nhanh chóng "đổ bộ" khắp các quốc gia như cơn sóng thần, gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch. Mỗi ngày, những ca nhiễm mới và tử vong vì căn bệnh chưa có thuốc đặc trị này vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 12-2020, số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 81 triệu ca, trong đó có hơn 1,7 triệu người tử vong. Kể từ khi Thế chiến lần thứ II kết thúc, đây là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến vậy.

2. Bầu cử Tổng thống Mỹ

Ngày 3-11, cử tri Mỹ đã chính thức đi bỏ phiếu, lựa chọn ra nhà lãnh đạo quốc gia và đứng đầu chính quyền để chèo lái đất nước trong 4 năm tới, với nhiệm vụ nặng nề trước mắt là đưa Mỹ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Đây là cuộc bầu chọn giữa Tổng thống Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ với cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân chủ theo đường lối tự do.

Sau rất nhiều tranh cãi, cuộc đua quyết liệt và đầy kịch tính giữa hai ứng cử viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cuối cùng đã ngã ngũ. Ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã giành thắng lợi.

3. Xung đột tại Nagorny - Karabakh

Cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh đã tái bùng phát ngày 27-9, khi các vụ đụng độ vũ trang giữa hai bên nổ ra ác liệt. Nguyên nhân xung đột là do mâu thuẫn sắc tộc kéo dài. Vùng này cư dân đa phần là người Armenia và họ có nguyện vọng sáp nhập với Armenia, thoát khỏi sự chi phối của người Azerbaijan. Mặc dù nhờ Nga với vai trò trung gian, Azerbaijan và Armenia đã ký kết thỏa thuận hòa bình, tuy nhiên, nguy cơ tái bùng phát xung đột vẫn sẽ như cơn sóng ngầm đe dọa khu vực này.

4. Đông Địa Trung Hải “dậy sóng“

Năm 2020, vùng biển Đông Địa Trung Hải trở thành điểm nóng mới của thế giới khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp. Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu khi cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận chung với hải quân Mỹ, còn Hy Lạp cũng tiến hành tập trận chung với Pháp, Italia và Cộng hòa Síp.

5. Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban mở ra triển vọng hòa bình lâu dài ở Afghanistan

Ngày 29-2, tại thủ đô Doha của Qatar, thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan được ký kết, với sự chứng kiến của đại diện đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Ðây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Afghanistan.

6. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở

Ngày 21-5-2020, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở với Nga và cáo buộc "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước". Văn bản này được ký kết tại Phần Lan ngày 24-3-1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước được dự báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là “số phận” của hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), được Nga và Mỹ ký năm 2010 vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

7. 15 nước châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Ngày 15-11-2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì. Bước đi này mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế khu vực cũng như thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

8. Anh chính thức rút khỏi Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 31-1-2020, nước Anh chính thức ra khỏi EU sau 47 năm gắn bó. Quá trình đàm phán chuyển tiếp cũng kết thúc vào ngày 31-12. Cuộc “chia tay” này được dự báo sẽ làm đảo lộn những mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh và các nước ở mọi lĩnh vực như xã hội, kinh tế, an ninh trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Đây là một dấu mốc buồn cho EU khi lần đầu tiên mất đi một quốc gia thành viên.

9. Đàm phán hòa bình Libya

Trong hai ngày, 7 và 8-9, cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” nhằm duy trì ngừng bắn để giải quyết bất đồng giữa các phe đối địch tại Libya đã diễn ra tại thị trấn ven biển Bouznika (Morocco). Tham gia đàm phán có thành viên của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và đại diện của Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) miền Đông. Các bên đã đạt được những thỏa hiệp quan trọng như: Đồng ý phối hợp để xóa bỏ nạn tham nhũng và hành vi lạm dụng công quỹ, đồng thời chấm dứt sự chia rẽ về thể chế, mở đường cho một giải pháp chính trị toàn diện. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trên lộ trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Bắc Phi này sau 9 năm nội chiến.

10. Vụ nổ thảm khốc ở Beirut (Lebanon)

Ngày 4-8-2020, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại nhà kho chứa 2.750 tấn thuốc nổ amoni nitrat ở cảng Beirut (Lebanon). Vụ nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Số nạn nhân thiệt mạng lên tới 158 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD. Đứng trước sức ép của dư luận, ngày 10-8, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã tuyên bố từ chức. Thủ tướng Diab khẳng định, vụ nổ ở cảng Beirut là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan, đồng thời ủng hộ lời kêu gọi của người dân Lebanon để những người chịu trách nhiệm về tội ác này bị đưa ra xét xử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.