(HNMO) – Năm 2012, nếu như kinh tế thế giới và trong nước ít có biến động thì trong đời sống chính trị, xã hội lại có nhiều sự kiện đáng nhớ. Hànộimới điện tử điểm lại 10 vấn đề, sự kiện chính trị- xã hội nổi bật của đất nước trong năm qua.
1. Triển khai thực hiện mạnh mẽ và sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo. Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.
Trong năm qua, Nghị quyết Trung ương 4 đã được triển khai ở bước mở đầu là kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hầu hết thường vụ các tỉnh ủy, ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành Trung ương đã làm xong bước này. Đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và sâu sắc trong Đảng cũng đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Đợt sinh hoạt chính trị này đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo một luồng sinh khí mới trong Đảng, trong toàn xã hội, tạo lòng tin, sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đến toàn dân.
2. Các hoạt động đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào
Năm 2012 được lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Lào chọn là "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào”. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử thế giới từ xưa đến nay, đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác nhưng đối với hai dân tộc Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được coi là tình nghĩa ruột thịt, thân thiết, trước sau như một.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm qua, đặc biệt qua 35 năm thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn và phát triển sâu rộng, trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, giáo dục đào tạo cho tới kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - kỹ thuật. Các cơ chế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là ở cấp cao nhất tiếp tục được tổ chức thường xuyên và phát huy hiệu quả. Hai bên đã ký và thực hiện các Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Lào qua các giai đoạn.
3. Năm diễn ra Đại hội của 3 tổ chức chính trị - xã hội quan trọng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 11 đến 14- 12, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh diễn ra với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước” và khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với chủ đề “Đoàn kết - sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã thống nhất mục tiêu trong nhiệm kỳ tới là: Đoàn kết, vận động phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” Trung thành – Đoàn kết – Gương mẫu – Đổi mới, Đại hội toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ V diễn ra từ ngày 18-20/12 tại Hà Nội đã thống nhất mục tiêu 5 năm tới là: Tiếp tục vận động các thế hệ cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và bảo vệ nhân dân…
4. Quốc hội thông qua một số luật và nghị quyết quan trọng
Trong chiến dịch tập kích đường không 12 ngày đêm tháng 12-1972, Mỹ đã sử dụng 444 lần chiếc B52 và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật trút xuống trên 8 vạn tấn bom đạn (riêng Hà Nội 4 vạn tấn bom, khiến hơn 300 dân thường vô tội của Thủ đô thiệt mạng). Trong 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường với không lực Mỹ, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, buộc Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.
Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có thể coi như một “cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về chính trị và quân sự, không những với quá khứ mà còn cho cả tương lai, đã để lại “Hội chứng Việt Nam”, vết thương trong lòng nước Mỹ không dễ gì xoá được.
6. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản của nhân loại
Với sự nhất trí cao dựa trên bộ tiêu chí mà di sản thế giới cần có được, ngày 6-12, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam trở thành di sản của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia thế giới, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam đáp ứng được 5 tiêu chí nghiêm ngặt do UNESCO đề ra như tính cấp bách hay tính đại diện, có tính thực hành tốt trong đời sống cộng đồng, có sức lan tỏa và khích lệ. Đây là di sản đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, đây là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có một loạt di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới (Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng, Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương)
7. Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo được nhân dân đặc biệt quan tâm
Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán, giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực và thế giới được dư luận nhan dân đặc biệt quan tâm, ủng hộ. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và quốc tế và người dân, trong đó có kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài đã cung cấp hàng trăm tài liệu, chứng cứ lịch sử như bản đồ, sách liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình như ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York (Hoa Kỳ) tặng bộ sưu tập gồm 80 bản đồ phương Tây trong khoảng thời gian từ năm 1626-1980 do các nhà xuất bản tại Anh, Ðức, Pháp, Mỹ phát hành cho Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
8. Khởi công, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm mang dấu ấn
Năm 2012 đánh dấu mốc quan trọng khi Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á khánh thành sau 7 năm xây dựng. Đây là sản phẩm của bàn tay, khối óc, kết tinh trí tuệ, sáng tạo của con người Việt Nam. Việc Nhà máy thủy điện Sơn La, có tổng công suất 2.400 MW, về đích sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đã tiết kiệm và làm lợi cho đất nước hơn 40.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, như một sự khởi đầu để “bước vào không gian”, ngày 19/9, Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc – Hà Nội. Với tổng vốn 54,4 tỷ yên (tương đương gần 700 triệu USD), đây là một dự án khoa học công nghệ lớn của Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Trung tâm dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và là Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Trước đó, vệ tinh viễn thông VINASAT-2 đã được phóng thành công vào quỹ đạo tiếp tục khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ.
9. Tăng viện phí áp dụng cho 447 dịch vụ y tế
Từ ngày 15-4, đợt điều chỉnh viện phí đầu tiên được áp dụng cho 447 dịch vụ y tế. Theo Bộ Y tế, số dịch vụ y tế tăng chỉ chiếm 12% tổng số gần 4.000 dịch vụ y tế hiện nay. 70% các dịch vụ tăng khoảng 5 lần nhưng cũng có dịch vụ tăng 20 lần. Tuy nhiên, đây mới là đợt điều chỉnh tăng của 3/7 yếu tố cấu thành viện phí và sẽ còn tăng nữa. Từ tháng 6 đến nay, đã có 45 địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế với mức phổ biến từ 60% đến 80% giá tối đa. Một số địa phương đã đề nghị giãn tiến độ tăng viện phí sang quý I-2013
10. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Tai nạn giao thông là nỗi nhức nhối của toàn xã hội và Năm An toàn giao thông quốc gia được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động. Việc thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng tại các thành phố lớn trong năm An toàn giao thông 2012. Các giải pháp này đã góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm mạnh số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương so với mục tiêu giảm 5-10% ở cả ba tiêu chí. Theo số liệu thống kê, tai nạn giao thông đã giảm 17% số vụ, giảm hơn 14% số người chết, giảm 20% số người bị thương. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên cả nước đã cử hành Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.