(HNM) - Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ năm 2005, qua 10 năm thực hiện cho thấy quá nhiều bất cập. Tại hội thảo 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 12-11, các doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn còn lúng túng vì không hiểu hết các quy định...
10 năm vẫn… mù mờ!
Theo ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Luật Cạnh tranh của Việt Nam cũng giống các nước, cấm các hành vi vi phạm cạnh tranh bao gồm lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế… hướng tới lành mạnh hóa thị trường, tạo ra lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng.
Hãng Uber đang bị taxi truyền thống tố là cạnh tranh không lành mạnh. |
Trong thời gian 10 năm qua, cơ quan chức năng đã thực hiện điều tra 78 vụ việc, tổ chức điều tra 8 vụ việc với gần 70 DN bị điều tra; xử lý 5 vụ việc với số tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng liên quan đến thỏa thuận và lạm dụng cạnh tranh; liên quan cạnh tranh không lành mạnh, đã tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại, có quyết định điều tra 137 vụ việc và ra 127 quyết định xử phạt. Thực tiễn xử lý các năm cho thấy các vụ vi phạm ngày càng tăng về số lượng và tính chất cũng phức tạp hơn.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật LNT & Partners, những năm gần đây các DN đã quan tâm nhiều hơn việc tuân thủ Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, việc thực thi luật của các DN gặp rất nhiều vướng mắc, trong đó có các vướng mắc cơ bản như quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường còn khá cứng nhắc khi áp dụng trên thực tế. Luật Cạnh tranh chỉ chú trọng mô tả các dấu hiệu bên ngoài mà chưa đánh giá đúng bản chất của hành vi lạm dụng. Từ đó, các biện pháp xử lý vẫn nặng hướng điều chỉnh các biểu hiện bên ngoài thay vì thay đổi tác động của hành vi đến thị trường. Về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chỉ liệt kê các dạng thỏa thuận bị cấm nhưng chưa đưa ra định nghĩa thế nào là "thỏa thuận" cũng như yêu cầu chứng cứ đối với việc xác lập thỏa thuận...
Luật sư Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Công ty TNHH Friesland Campina cũng cho rằng, hiện tại vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể về các vấn đề như: Xác định thị phần của DN kinh doanh nhiều loại sản phẩm dịch vụ; cơ sở xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể; hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh… khiến các DN rất lúng túng khi thực hiện luật.
Minh bạch hóa thông tin
Luật sư Trần Chi Anh, Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam đánh giá, Luật Cạnh tranh Việt Nam còn quá nhiều khác biệt với các nước. Chẳng hạn, có những vấn đề trong cạnh tranh các nước quy định rất nghiêm ngặt thì Việt Nam chưa đề cập, như việc trao đổi chia sẻ thông tin để phân chia thị trường giữa các DN. "Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất xem việc chia sẻ thông tin và chia sẻ thị trường là không nghiêm trọng", bà Chi Anh nói.
Theo luật sư Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc tư vấn pháp luật Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, trong lĩnh vực cạnh tranh, chúng ta có nhiều cơ quan xử lý vi phạm như quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành. Điều này dẫn đến việc, hoặc là đùn đẩy hoặc chồng chéo. Ông Sơn đề nghị nên theo xu hướng thế giới là giao quyền cho một tổ chức đại diện. Các DN sẽ tự giải quyết và tự tuân thủ trong chuẩn ngành mà mình đang hoạt động; nếu không tự xử lý được sẽ có cơ chế giải quyết qua tòa án hoặc cơ quan trọng tài thương mại.
Trước những bất cập trong Luật Cạnh tranh cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần minh bạch hóa thông tin về chính sách cạnh tranh và hoạt động xử lý vụ việc cạnh tranh bởi khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP thì yếu tố minh bạch và công bằng cho các DN tham gia cạnh tranh tại Việt Nam là một yêu cầu thiết yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.