(HNMO) - Sáng 17/8, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 6/8/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XIV về công tác lịch sử Đảng.
Tới dự có Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cùng nhiều chứng nhân lịch sử và đông đảo những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ của Hà Nội.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư TƯ và 3 năm thực hiện chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy, các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể đã triển khai nghiêm gúc, nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng. Công tác lịch sử đảng có sự phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu của xã hội. Từ năm 2002 đến nay, đã có gần 466 sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố được xuất bản, phát hành, trong đó cấp tỉnh, thành phố có 23 cuốn; cấp huyện, quận, thị có 84 cuốn; cấp xã, phường có 278 cuốn; các ngành đoàn thể có 81 cuốn. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng của Hà Nội đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, chất lượng được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng.
Tuy nhiên, hội nghị cũng thẳng thắn đánh giá, một số cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò của công tác lịch sử đảng nên việc chỉ đạo, lãnh đạo không thường xuyên, liên tục, thiếu quan tâm, sâu sát, định hướng cụ thể; chất lượng một số sách lịch sử đảng bộ địa phương chưa có tính khoa học cao; đội ngũ cán bộ làm công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng ở cấp quận, huyện, thị chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm; hầu hết các phường, xã, thị trấn vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình tổ chức xuất bản sách....
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên cán bộ Xứ ủy Ban khởi nghĩa Hà Nội; Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban tuyên giáo Quận ủy Ba Đình; Nguyễn Nam Hà, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn... đã góp phần làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò đặc biệt của Đảng bộ, nhân dân Hà Nội trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; những khó khăn, những bài học, kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, các tài liệu lịch sử Đảng bộ Hà Nội đã góp phần làm nổi bật được vị trí, vai trò đặc sắc của nhân dân Hà Nội trong Cách mạng Tháng 8. Cuộc khởi nghĩa ngày 19/8/1945 của nhân dân Hà Nội đã lập nên được Hà Nội tự do, độc lập đầu tiên của cả nước. Thắng lợi đầu tiên này cũng tạo những điều kiện cơ bản giúp Trung ương Đảng đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thắng lợi cuối cùng, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kỳ tích này của Hà Nội có được chính là nhờ Đảng bộ đã tích cực vận dụng sáng tạo đường lối chung của Đảng trong xác định mục tiêu cụ thể của cuộc đấu tranh là đánh đổ chính quyền khâm sai của Nhật và tránh xung đột với quân đội Nhật, buộc Nhật không can thiệp mà lại phải công nhận Ủy ban cách mạng Bắc Bộ là đối tác.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương Phùng Hữu Phú khẳng định, Thủ đô có rất nhiều tiềm năng, trong đó văn hóa và truyền thống cách mạng là một tiềm năng, nguồn lực vô giá. Việc làm tốt công tác sưu tầm, biên soạn xuất bản lịch sử Đảng bộ Hà Nội đã góp phần thiết thực vào công tác tư tưởng, chính trị nói chung và quá trình phát triển của Thủ đô, là hoạt động có ý nghĩa toàn diện. Theo ông, việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng không chỉ là công tác tổng kết quá khứ mà còn là để suy ngẫm, vận dụng vào quá trình phát triển của Hà Nội hôm nay và mai sau.
Khép lại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái đánh giá, những năm qua, công tác lịch sử đảng đã được các cấp ủy Thành phố quan tâm, chỉ đạo đạt kết quả tốt, trong đó nhiều địa phương đã có thành tích xuất sắc. Phó Bí thư thường trực Thành ủy cám ơn các cán bộ, đảng viên, các lão thành cách mạng, các nhà khoa học đóng góp cho công tác lịch sử đảng của Thành phố, đồng thời đề nghị các địa phương, ban, ngành, đoàn thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác lịch sử đảng, nhất là các sách lịch sử địa phương.
Để ghi nhận những đóng góp của các địa phương với công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định khen thưởng cho 8 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Cũng tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội tập 1 (1926-1945) do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản.
Cuốn sách là một công trình khoa học về lịch sử hiện đại, vừa kế thửa thành quả lao động từ những công trình nghiên cứu lịch sử đảng trước đó, vừa là kết quả của sự miệt mài, công phu, nghiêm túc, sự cố gắng khắc phục những trở ngại do thiếu tư liệu, nhân chứng khi phải mô tả lại từng sự kiện, từng nhân vật lịch sử của một giai đoạn đầy khó khăn, khắc nghiệt trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, của Mê Linh (cũ).
Trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm riêng có tính truyền thống trong các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội của mỗi địa phương, mỗi sự kiện khi được nhắc đến đều có sự so sánh, xâu chuỗi với các sự kiện có tính tương đồng, sự liên quan ở các địa phương khác nhau trong cùng khu vực và đặt trong mối liên hệ chung của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.
Cuốn sách đã được tập thể các tác giả bổ sung nhiều điểm, thông qua những phương pháp tiếp cận mới nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác, khách quan của lịch sử. Cuốn sách đã làm nổi bật mối liên hệ chặt chẽ vốn có từ truyền thống lâu đời giữa ba tỉnh, thành phố, giữa các địa phương trong tiến trình lịch sử, trong đó Đảng bộ Thành phố luôn giữ vị trí, vai trò trung tâm và được phát huy cao độ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.