Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát huy hiệu quả

Bạch Thanh| 26/03/2013 15:21

(HNMO) - Hàng triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; 120 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường… Ngân hàng Chính sách-Xã hội thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách...

Bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cho biết: Hiện nhiều nông dân khu vực nông thôn đối mặt với nguy cơ đói nghèo do chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa bền vững, thiên tai, dịch bệnh, nuôi đông con ăn học… đồng vốn ưu đãi của NHCSXH là một kênh quan trọng trong việc nâng cao đời sống nông dân. Trong 10 năm qua, đã có gần 300 ngàn hội viên nông dân được vay vốn tín dụng ưu đãi, giúp cho trên 80 ngàn lao động có việc làm, xây dựng được trên 52 ngàn công trình nước sạch vệ sinh và môi trường, con em khu vực nông thôn có tiền trang trải học phí theo học, nhiều gia đình được cải thiện điều kiện sống, tăng mức thu nhập và vươn lên làm giàu.

Ông Đỗ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Cao Dương huyện Thanh Oai xúc động nói: đồng vốn ưu đãi của nhà nước đã góp phần vào thay đổi diện mạo nông thôn Cao Dương trong 10 năm qua. Với dư gần 8 tỷ đồng, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ mở rộng chăn nuôi, buôn bán dịch vụ, nhiều gia đình đã nuôi con ăn học thành tài từ sự trợ giúp này…

Lãnh đạo TP tặng Bằng khen cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo.



Sự khởi đầu của NHCSXH TP gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, địa điểm làm việc và đội ngũ cán bộ, nhân viên chỉ có 62 người từ Ngân hàng NN&PTNT chuyển sang. Vượt qua mọi khó khăn, tập thể NHCSXH đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới giao dịch từ thành phố đến địa phương, hoàn thiện các quy chế, chính sách có liên quan đến tín dụng ưu đãi. Tính đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH TP đạt 4.008 tỷ đồng, tăng 3.673,9 tỷ đồng, gấp 12 lần so với thời điểm mới thành lập (đầu năm 2003), bình quân mỗi năm tăng 29%. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay NHCSXH TP đã thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng. Dư nợ tập trung vào 6 chương trình tín dụng: cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó; giải quyết việc làm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Từ chỗ có một trụ sở chính, 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, 21 Phòng giao dịch cấp huyện, nay đã có hệ thống mạng lưới hoạt động hoàn chỉnh gồm: 1 trụ sở chính; 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 25 phòng giao dịch quận, huyện; 559 điểm giao dịch xã, phường và 8.017 tổ tiết kiệm, vay vốn. Trong 10 năm qua, đã có 575 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho hơn 150 ngàn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 370 ngàn lao động; hơn 120 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo hơn 200 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng hơn 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo. Từ chỗ nợ quá hạn chiếm 3,4%, nay chỉ còn 0,35%, trong đó chủ yếu là nợ nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trước đây. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm là 10.040 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 1.100 tỷ đồng; riêng năm 2012 doanh số cho vay đạt 1.750 tỷ đồng.

Tăng mức cho vay, chống tái nghèo

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội, thì quá trình hoạt động NHCSXH vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, cần được khắc phục sớm. Đó là, nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đối với những hộ mới thoát nghèo để chống tái nghèo; cho vay giải quyết việc làm đối với những vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế... Mức cho vay đối với chương trình giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, hộ nghèo về nhà ở còn thấp, không còn phù hợp với thực tế. Đồng quan điểm ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định: huyện Ba Vì với gần 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp đặc biệt số hộ cận nghèo của huyện cao, rất cần được tăng thêm nguồn vốn giải quyết việc làm góp phần giải quyết lao động nông nhàn, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH TP Hà Nội khẳng định: Các chương trình tín dụng giải ngân qua NHCSXH đã và đang được UBND thành phố coi như một công cụ, một giải pháp quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là sau 5 năm thủ đô mở rộng địa giới hành chính với số lượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách gia tăng. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2015, hộ nghèo toàn TP chỉ còn 1%, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan bố trí chuyển vốn từ nguồn ngân sách sang NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố vay. Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, NHCSXH cần tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để triển khai cho vay kịp thời, không để tồn đọng vốn. Khai thác tối đa nguồn vốn uỷ thác của các địa phương để bổ sung thêm nguồn vốn; tiếp tục huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm, vay vốn kết hợp với huy động các nguồn vốn của tổ chức, cá nhân có lãi suất thấp, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của các đối tượng chính sách, xã hội; Coi trọng công tác thu nợ để cho vay quay vòng, tập trung thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn như: Giải quyết việc làm khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp; cho vay hộ mới thoát nghèo, tránh tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững; cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ...

Mục tiêu của NHCSXH TP đến năm 2020, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của NHCSXH. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,5%; hệ số sử dụng vốn đạt hơn 98%. Phấn đấu duy trì hơn 97% số tổ tiết kiệm, vay vốn tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm; 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời...

Nhân dịp này, UBND TP đã tặng Bằng khen cho 37 tập thể và 43 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát huy hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.