Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII: Phát triển toàn diện Thủ đô

Võ Lâm| 22/03/2021 06:39

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 17-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã ký ban hành 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, đúng tiến độ đề ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố (ban hành trong quý I-2021). Nhằm kịp thời tuyên truyền, góp phần sớm đưa 10 chương trình công tác vào cuộc sống để Thủ đô phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, từ số báo này, Báo Hànộimới sẽ lần lượt giới thiệu từng chương trình công tác đến bạn đọc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu là điểm nhấn trong Chương trình số 01-CTr/TU. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm.

Bài 1: Chương trình số 01-CTr/TU: Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu

So với nhiệm kỳ trước, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" có nhiều nét mới, nhưng vai trò cốt lõi, xương sống không thay đổi. Điểm nhấn là ngay trong mục tiêu của chương trình, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

5 mục tiêu, 7 yêu cầu

Nếu Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII bao hàm cả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt còn có thêm công tác cải cách hành chính (có nghĩa đã tích hợp tiếp nối cả Chương trình số 01-CTr/TU và Chương trình số 08-CTr/TU của khóa trước). Chính vì thế, Chương trình số 01-CTr/TU kỳ này có phạm vi rộng hơn, tính chất toàn diện, đồng bộ và thông suốt trong cả hệ thống chính trị. Đây cũng là sự cụ thể hóa nét mới được bổ sung trong chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong Chương trình số 01-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII xác định 5 mục tiêu, 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và 7 yêu cầu.

Mục tiêu đầu tiên của chương trình là tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng các cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức...

Coi con người là nhân tố quyết định thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thành ủy xác định mục tiêu thứ hai là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín...

Mục tiêu thứ ba là xây dựng hệ thống chính trị các cấp từ thành phố đến cơ sở thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, bổ sung, đề xuất để hoàn thiện hệ thống chính trị, cơ chế và hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị... Thực hiện tốt dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “gần dân, sát dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Bốn là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng; đổi mới cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy... Năm là xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, nền công vụ chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình..

Gắn với 5 mục tiêu, Thành ủy Hà Nội xác định 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Đáng chú ý, hằng năm, Đảng bộ thành phố có tỷ lệ tổ chức Đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 75%; kết nạp từ 9.000 đến 10.000 đảng viên. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%...

Trong 7 yêu cầu đề ra trong chương trình, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị phải thực hiện kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực lớn; động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia giám sát. Cải cách hành chính phải đạt mục tiêu vì sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng bộ về thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quán triệt phương châm 5 dễ “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát” trong ban hành và triển khai tổ chức thực hiện đề án, chuyên đề, kế hoạch thực hiện chương trình.

Xuyên suốt là tinh thần và quyết tâm đổi mới

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu trên, Thành ủy Hà Nội khóa XVII xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm căn cơ, bài bản.

Phần nhiệm vụ, giải pháp về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố gương mẫu, trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2021-2025” bao gồm 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được chia thành 3 nhóm gồm: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhằm tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, Thành ủy Hà Nội có 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đáng chú ý, để tăng cường xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Thành ủy Hà Nội sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị bắt buộc hằng năm gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Hà Nội sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), đặc biệt coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị.

Thành ủy khóa XVII chỉ rõ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn, gắn với Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng với nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các quận và thị xã, Thành ủy Hà Nội định rõ, sau 3 năm sẽ đề xuất mô hình phù hợp.

Cụ thể hóa nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, tập trung khắc phục một số hạn chế, yếu kém trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Phần nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 bao gồm 6 nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Trong đó, để cải cách thể chế, cùng với những giải pháp mang tính vĩ mô như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ rà soát quy trình giải quyết công việc hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, chú trọng các công việc có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; lập danh mục các công việc hành chính, xác định rõ quy trình giải quyết. Thành phố cũng sẽ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: Tài nguyên - môi trường, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị...

Có thể nói, xuyên suốt nội dung Chương trình số 01-CTr/TU từ mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đến nhiệm vụ, giải pháp là tinh thần và quyết tâm đổi mới. Thực hiện tốt Chương trình số 01-CTr/TU để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi 9 chương trình công tác còn lại, cũng chính là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

→ Chương trình số 01-CTr/TU | Phụ lục Chương trình số 01-CTr/TU

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII: Phát triển toàn diện Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.