(HNM) - Tại hội nghị cộng tác viên báo chí ngày 22-7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, trong quý II-2011 đã xảy ra 46 vụ ngộ độc với 1.791 người mắc, 1.254 người phải nhập viện và 4 trường hợp tử vong.
Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người mắc là 13 vụ. Ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra chủ yếu ở bếp ăn gia đình với 23 vụ (chiếm 50%) và 10 vụ (21,7%) ở bếp ăn tập thể. Nguyên nhân ngộ độc có 18 vụ là do vi sinh vật, 2 vụ do hóa chất, 13 vụ do độc tố tự nhiên, 13 vụ chưa xác định được nguyên nhân bằng xét nghiệm và lâm sàng.
Liên quan đến sự lo ngại về phẩm màu vàng Tartrazine (E102) trong mỳ tôm, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã tập trung phỏng vấn để làm rõ thêm thông báo kết luận chính thức ngày 21-7 về phẩm màu E102 của Ủy ban Codex Việt Nam (Hànộimới đã đưa tin) nhưng phía cơ quan liên quan chưa trả lời thỏa đáng. Cụ thể như quy định mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được (ADI) là 0-7,5mg/kg thể trọng/ngày, nhưng trong thông báo của Codex chỉ ghi là 7,5mg/kg thể trọng/ngày, như vậy có thể khiến người tiêu dùng hiểu rằng, ở mức 7,5, người ta vẫn có thể ăn thoải mái mà không phải lo ngại. Thông báo của Codex nêu "cho đến nay các nước EU, Mỹ, nhiều nước ASEAN… vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm", nhưng lại không nêu rõ họ cho phép trong giới hạn nào, khuyến cáo sử dụng đến người tiêu dùng ra sao. Ban Kỹ thuật Codex quốc tế đang hoàn thiện các điều khoản quy định mức tối đa của E102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau, trong đó có mỳ tôm, còn tại Việt Nam cách đây 10 năm cũng đã cho phép 26 loại thực phẩm được sử dụng E102 nhưng trong đó không có sản phẩm mỳ tôm.
Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, tiêu chuẩn của Codex cũng như hướng dẫn sử dụng không bắt buộc các nước thành viên áp dụng mà chỉ lấy đó để tham khảo nên nhiều nước đã cấm sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, năm 2008 - 2009 đã có 4 nghiên cứu khoa học (3 của Nhật Bản và 1 của châu Âu) đưa ra sự nguy hại của E102 và Ủy ban châu Âu đã lập hội đồng đánh giá E102 đồng thời cho rằng những nghiên cứu này chưa đưa ra mức độ để xem xét điều chỉnh ADI của E102. Tuy nhiên, một số trẻ em có thể mẫn cảm với E102 nên EU đã đưa ra khuyến cáo. Hơn nữa, trong văn bản trả lời Codex đưa mức E102 cho 80 loại thực phẩm, trong đó có mỳ ăn liền nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định về mỳ ăn liền được phép sử dụng E102. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết thêm, rất nhiều loại phẩm màu hóa học độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm. Những loại phẩm được phép sử dụng hiện vẫn an toàn, tuy nhiên, cơ quan quản lý đều khuyến cáo không sử dụng hoặc sử dụng phẩm màu ở mức thấp nhất trong thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.