Không chỉ quá tốn kém mà chưa kể trong nhiều trường hợp mưa lớn, nước ngập gây ách tắc giao thông thì các xe bơm hút nước này làm sao tiếp cận khu vực ngập?
Dù đã đầu tư nhiều công trình nhưng ngập nước vẫn là "đặc sản" tại TP.HCM vào mùa mưa. Trong ảnh: nước ngập trên đường Ấp Chiến Lược, Q.Bình Tân tháng 9-2015 - Ảnh: Hữu Khoa |
Sau khi Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) đề xuất 1.400 tỉ đồng mua xe bơm nước di động chống ngập, không ít ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của phương án này nhưng chưa được đơn vị đề xuất làm rõ.
Theo Trung tâm chống ngập, hệ thống cống thoát nước kết nối với nhau, nên việc dùng các xe bơm hút nước trong các đường cống gần khu vực bị ngập sẽ tác động làm nước thoát nhanh hơn, giúp giảm ngập.
Mỗi xe hơn 19 tỉ đồng
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm chống ngập, cho rằng trong gói đề xuất 1.400 tỉ đồng sẽ có 1.200 tỉ dùng để mua 63 xe bơm (mỗi xe hơn 19 tỉ đồng), phần còn lại đầu tư trang thiết bị, bến bãi...
Theo ông Dũng, việc đề xuất phương án này do số lượng cống thoát nước mưa mới chỉ đầu tư 50% so với quy hoạch (3.000/6.000km cống), có những khu vực chưa có cống thoát nước và thiếu công trình phòng chống triều cường nên khi mưa, triều cao sẽ bị ngập, chưa kể nhiều cống được đầu tư trước đó đã lỗi thời.
Cụ thể, đối với cống thoát nước hiện nay chịu được những trận mưa từ 76-96mm trong vòng ba giờ - tương ứng với đỉnh triều ở mức 1,32m.
Tuy nhiên thời gian qua có rất nhiều trận mưa vượt 100mm, gây ngập trên diện rộng, gần đây nhất là trận mưa ngày 15-9-2015 lên đến 142mm (trạm An Lạc), ứng với triều cường 1,4m, gây ngập tới 62 điểm.
“Những lúc như thế này cần hệ thống bơm di động hỗ trợ kết nối bơm hút nước cho những khu vực bị ngập nước cục bộ” - ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, TP cũng đang triển khai nhiều công trình lớn mang tính căn cơ, lâu dài như: dự án cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3, triển khai thí điểm xây dựng hồ điều tiết phân tán, xây dựng hàng loạt cống, đê bao kiểm soát triều theo quy hoạch 1547...
Giải pháp dùng máy bơm chỉ là “hạng mục” trong tổng thể các giải pháp chống ngập đang và đã triển khai.
Về cơ chế vận hành xe bơm này, theo ông Dũng, khi xảy ra ngập nước ở một hay một vài khu vực, các xe này sẽ được điều động tới hiện trường, nếu khu vực đó gần kênh thì sẽ hỗ trợ bơm nước ra kênh (công suất các xe bơm từ 20-60 m3/phút).
Trường hợp khu vực ở xa kênh rạch thì xe bơm hút nước ngập trung chuyển qua những tuyến cống khác gần khu vực ngập thông qua đường ống chứ không phải vận hành theo cách xe bồn chở nước ngập đi nơi khác.
Trả lời câu hỏi liệu các xe bơm có phát huy tác dụng nếu gặp trường hợp triều cường kết hợp với mưa lớn, ông Dũng cho rằng các tuyến cống, cửa xả ra kênh đã được đầu tư van một chiều (nước bên ngoài không tràn vào cống được) nên có thể sử dụng máy bơm hỗ trợ thoát nước.
“Trường hợp những nơi nào trũng thấp chưa được đầu tư bờ kè, cống thoát nước thì chịu” - ông Dũng nhìn nhận.
Cần được phản biện
Dù cho rằng việc trang bị hệ thống bơm di động, hỗ trợ ứng cứu khi hệ thống thoát nước quá tải là cần thiết nhưng TS Lê Long - chuyên gia lĩnh vực thoát nước - cho rằng còn hàng loạt vấn đề chưa làm rõ mà đã đưa ra đề xuất trên là vội vàng.
Theo ông Long, nếu xác định những khu vực bị ngập do cống quá tải và mưa lớn có thể đầu tư những trạm bơm cố định, thay vì đầu tư xe bơm nước di động tốn kém hơn 19 tỉ đồng/xe.
“Vì sao phải sắm đến hàng chục xe như thế trong khi có nhiều dự án thoát nước khác đang triển khai song song, khi các dự án này hoàn thành thì các xe này dùng để làm gì?
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, đầu tư 1.200 tỉ đồng chỉ để mua xe bơm chống ngập liệu cần thiết hay để tập trung số tiền trên đầu tư cho những dự án mang tính căn cơ khác.
Đó chưa kể chi phí vận hành bảo dưỡng bởi TP.HCM mùa mưa chỉ xảy ra sáu tháng, sáu tháng còn lại xe hoạt động ra sao...” - ông Long đặt vấn đề.
Một cán bộ làm việc trong lĩnh vực thoát nước cho rằng việc đầu tư tới 1.200 tỉ đồng cho xe bơm nước di động là lãng phí, bởi trong nước hoàn toàn có khả năng chế tạo được loại xe này và chi phí cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với 19 tỉ đồng/xe như đề xuất.
“Hơn nữa, việc trang bị xe này chỉ nên thực hiện thí điểm trước vài xe, nếu phát huy tác dụng thì tính chuyện mua tiếp chứ không nên sắm ồ ạt” - vị này nói.
Theo ông Đào Văn Nam - Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II, với công suất 20-60 m3/phút thì đường ống thoát nước tương đối lớn, gặp trường hợp điểm hút nước xa với điểm xả nước thì đường ống này phải qua nhiều tuyến đường, gây cản trở giao thông.
“Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp mưa, nước ngập gây tình trạng ách tắc giao thông, các xe này sẽ khó tiếp cận những khu vực bị ngập” - ông Nam nhận định.
“Tôi nghĩ chưa có những căn cứ khoa học nên sẽ khó thuyết phục UBND TP dễ dàng bỏ ra số tiền khổng lồ như thế để mua xe chống ngập” - TS Lê Long nhận định và cho rằng vấn đề này cần phải được tổ chức phản biện, làm rõ tính hiệu quả, cần thiết trước khi trình UBND TP.
Khi đề cập đến những vấn đề như giá xe bơm nước di động, chủng loại, kế hoạch triển khai ra sao..., ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm chống ngập, cho rằng chỉ mới dừng lại ở việc đề xuất với UBND TP. “Nếu UBND TP đồng ý mới triển khai các bước cụ thể tiếp theo nên chưa thông tin gì thêm được” - ông Dũng nói. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.